Thường Tín là một huyện nằm phía Nam của thành phố Hà Nội.
- Diện tích: 127,59 km²
- Dân số: 230.000 người
- Dân tộc: Đa số là người Kinh
Huyện Thường Tín có 1 thị trấn huyện lỵ là thị trấn Thường Tín và 28 xã: Chương Dương, Dũng Tiến, Duyên Thái, Hà Hồi, Hiền Giang, Hòa Bình, Hồng Vân, Khánh Hà, Lê Lợi, Liên Phương, Minh Cường, Nghiêm Xuyên, Nguyễn Trãi, Nhị Khê, Ninh Sở, Quất Động, Tân Minh, Thắng Lợi, Thống Nhất, Thư Phú, Tiền Phong, Tô Hiệu, Tự Nhiên, Văn Bình, Vạn Điểm, Văn Phú, Vân Tảo, Văn Tự
- Bí thư Huyện ủy: ông Nguyễn Tiến Minh
- Chủ tịch HĐND huyện: ông Phùng Văn Quốc
- Phó bí thư - Chủ tịch UBND huyện: Ông Kiều Xuân Huy
- Phó bí Thư Huyện uỷ: Ông Phùng Văn Quốc
- Phó chủ tịch UBND huyện: Ông Nguyễn Sỹ Tuyến, ông Nguyễn Tuấn Thịnh, bà Lê Thị Liễu
- Phó chủ tịch HĐND huyện: Ông Lê Tuấn Dũng, ông Phan Thanh Tùng
- Về đất đai đa phần diện tích đất đai là đồng bằng được bồi đắp bởi hai 2 dòng sông chính là sông Hồng và sông Nhuệ.
Thường Tín có hệ thống đường giao thông thuận lợi với hai tuyến đường bộ chạy dọc huyện là quốc lộ 1A dài 17,2 km và đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ dài 17 km đến cầu Vạn Điểm đoạn giao cắt với đường 429 (73 cũ); chạy ngang huyện là tuyến đường tỉnh lộ 427 (đường 71 cũ) từ dốc Vân La (xã Hồng Vân) qua cầu vượt Khê Hồi trên tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến thị trấn Thường Tín cắt với tuyến đường sắt Bắc Nam sang phía tây huyện và kết thúc ở huyện Thanh Oai. Tỉnh lộ 429 (73 cũ) từ thị trấn Phú Minh (huyện Phú Xuyên) qua gầm cầu vượt Vạn Điểm đến ngã 3 Đỗ Xá giao với quốc lộ 1A cũ; tiếp theo là đoạn đường 429 từ ngã ba Tía cắt tuyến đường sắt Bắc Nam chạy vào Đồng Quan. Dự kiến sẽ xây cầu Mễ Sở nối với huyện Văn Giang của tỉnh Hưng Yên.
Trên Huyện có tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua với 3 nhà ga là ga Thường Tín, ga Chợ Tía và ga Vạn Điểm (tên khác là ga Đỗ Xá).
Đường thủy có sông Hồng, với cảng Hồng Vân, cảng Vạn Điểm. Qua sông đi Tứ Dân, Khoái Châu, Phố Nối và thành phố Hưng Yên.
Hiện nay, huyện Thường Tín đang đầu tư xây dựng khu đô thị Duyên Thái nằm ở phía bắc huyện, giáp ranh với xã Liên Ninh của huyện Thanh Trì.
Thường Tín nguyên là một phủ thuộc Trấn Sơn Nam từ thời Lê đến thời nhà Nguyễn. Thời đó Phủ Thường Tín thuộc tỉnh Hà Đông. Phú Thường Tín bấy giờ bao gồm các huyện: Thanh Trì, Thượng Phúc (là Thường Tín ngày nay), Phú Xuyên và Hồng Đức (nay là huyện Mỹ Đức).
Ngày 21 tháng 4 năm 1965, huyện Thường Tín thuộc tỉnh Hà Tây (hợp nhất 2 tỉnh Hà Đông và Sơn Tây), gồm 33 xã: Chương Dương, Đại Áng, Đông Mỹ, Dũng Tiến, Duyên Thái, Hà Hồi, Hiền Giang, Hòa Bình, Hồng Vân, Khánh Hà, Lê Lợi, Liên Ninh, Liên Phương, Minh Cường, Nghiêm Xuyên, Ngọc Hồi, Nguyễn Trãi, Nhị Khê, Ninh Sở, Quất Động, Tả Thanh Oai, Tân Minh, Thắng Lợi, Thống Nhất, Thư Phú, Tiền Phong, Tô Hiệu, Tự Nhiên, Văn Bình, Vạn Điểm, Văn Phú, Vân Tảo, Văn Tự.
Ngày 29 tháng 12 năm 1975, huyện Thường Tín thuộc tỉnh Hà Sơn Bình do hợp nhất 2 tỉnh Hà Tây và Hòa Bình.
Ngày 29 tháng 12 năm 1978, 5 xã ở phía bắc huyện Thường Tín là: Đại Áng, Liên Ninh, Ngọc Hồi, Tả Thanh Oai và Đông Mỹ được sáp nhập vào huyện Thanh Trì. Huyện Thường Tín còn lại 28 xã: Chương Dương, Dũng Tiến, Duyên Thái, Hà Hồi, Hiền Giang, Hòa Bình, Hồng Vân, Khánh Hà, Lê Lợi, Liên Phương, Minh Cường, Nghiêm Xuyên, Nguyễn Trãi, Nhị Khê, Ninh Sở, Quất Động, Tân Minh, Thắng Lợi, Thống Nhất, Thư Phú, Tiền Phong, Tô Hiệu, Tự Nhiên, Văn Bình, Vạn Điểm, Văn Phú, Vân Tảo, Văn Tự.
Ngày 19 tháng 3 năm 1988, thành lập thị trấn Thường Tín trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên và nhân khẩu của các xã Văn Bình, Văn Phú và Hà Hồi.
Ngày 12 tháng 8 năm 1991, Thường Tín trở lại thuộc tỉnh Hà Tây. Như vậy, huyện Thường Tín có 1 thị trấn và 28 xã, giữ ổn định đến nay.
Ngày 1 tháng 8 năm 2008, cùng với toàn bộ tỉnh Hà Tây, huyện Thường Tín được sáp nhập về thủ đô Hà Nội theo nghị quyết của Chính phủ Việt Nam.
- Công nghiệp - xây dựng: 53,4%
- Thương mại dịch vụ: 32,5%
- Nông nghiệp: 14,1%
Hiện nay huyện có nhiều công trình, dự án đầu tư như:
- Khu công nghiệp phía bắc Thường Tín (chưa đầu tư).
- Khu công nghiệp Hà Bình Phương nằm ở khu vực các xã: Hà Hồi, Văn Bình và Liên Phương.
- Khu công nghiệp Phụng Hiệp nằm ở vị trí 4 xã: xã Thắng Lợi, xã Dũng Tiến, xã Tô Hiệu, xã Nghiêm Xuyên.
- Cụm công nghiệp Quất Động nằm trên địa bàn xã Quất Động.
- Cụm công nghiệp Duyên Thái nằm ở xã Duyên Thái, liền kề quốc lộ 1A và cụm công nghiệp Liên Phương ở đội 9, xã Liên Phương.
- Cụm công nghiệp làng nghề: Vạn Điểm (mộc), cụm công nghiệp làng nghề Duyên Thái (sơn mài); Cụm công nghiệp làng nghề mây tre đan (Ninh Sở), cụm công nghiệp làng nghề Tiền Phong (bông len), cụm công nghiệp làng nghề mộc Văn Tự.
- Nhà máy bia Việt Nam có địa chỉ tại đường tỉnh lộ 427B, xã Vân Tảo, chuyên sản xuất các loại bia ngoại: Heineken, Tiger,...
Thường Tín là huyện có nhiều làng nghề lâu đời với những sản phẩm nổi tiếng như:
Một số nghề mới phát triển mấy chục năm trở lại đây như:
- Xương sừng Thuỵ Ứng - xã Hoà Bình
- Bông len ở Trát Cầu - Tiền Phong
- Mộc cao cấp ở Vạn Điểm.
- Nghề trông cây cảnh ở Hông Vân, Vân Tảo, Tự Nhiên, Thư Phú...
- Hiện nay đã có 43 làng được UBND thành phố Hà Nội công nhận là làng nghề.
Huyện có 126 làng cổ, hiện thời được phân thành 169 thôn, cụm dân cư, tổ dân phố tại 28 xã và 1 thị trấn. Được thừa hưởng truyền thống lịch sử văn hóa đặc sắc của vùng ven đô. Trong các cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam, vùng đất này có nhiều dấu ấn đi vào lịch sử.
Huyện đã có nhiều di chỉ khảo cổ học của thời ký đồ đá mới, thời kỳ văn hóa Đông Sơn. Tình cờ, trong quá trình sản xuất người dân xã Thắng Lợi đã tìm được những hiện vật gồm 21 rìu đá được chế tác khá tinh xảo trong một ngôi mộ bên dòng sông Kim Ngưu. Cách đó 3 km, họ đào được nhiều mộ thuyền tương tự như các hiện vật tại di chỉ xã Châu Can huyện Phú Xuyên chứa đựng các đồ tùy táng bằng đồng: mũ, lá chắn, giáo, tên... Tất cả đã được Bảo tàng tỉnh đưa về bảo quản và trưng bày.
Nhiều địa danh đã được sử sách ghi lại như Chương Dương Độ, diễn ra trận chiến 1285 của nhà Trần dẫn đến chiến thắng cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ hai của nhà Nguyên. Hà Hồi nơi mở màn chiến thắng giặc Mãn Thanh của vua Quang Trung trên đường tiến đánh thành Thăng Long.
Huyện là vùng đất khoa bảng, trong danh sách ghi tên những người đỗ tiến sĩ qua các Triều đại phong kiến, Thường Tín là huyện đứng ở tốp đầu về con số đăng khoa {gần 70 người}. Nhiều dòng họ, nhiều gia đình nối đời đỗ đạt, điển hình là họ Vũ làng Ba Lăng xã Dũng Tiến được coi là đất học với nhiều người học rộng tài cao. Họ Ngô ở Nghiêm Xá (Nghiêm Xuyên) với 3 cha con cùng đỗ đại khoa. Họ Từ ở làng Khê Hồi xã Hà Hồi được gọi là "Họ Tiến sĩ" vì có đông người đỗ khoa bảng. Tiêu biểu là Gia đình Nguyễn Phi Khanh làng Nhị Khê, cả cha và con đều đỗ Thái Học Sinh năm 1400 (tương đương Tiến sĩ). Sau này Nguyễn Trãi với tài văn võ song toàn đã có công lớn trong việc giúp Lê Lợi đánh thắng nhà Minh. Sáu trăm năm sau ngày sinh Nguyễn Trãi được UNESCO đưa vào danh sách những nhân vật kiệt xuất nhất của lịch sử nhân loại là Danh nhân văn hoá thế giới.
Trong hệ thống các di tích cổ, toàn huyện có 385 điểm được Nhà nước Việt Nam xếp hạng gần 100 điểm, một số điểm được đề nghị xếp hạng đặc biệt như: Chùa Đậu thuộc xã Nguyễn Trãi, nơi lưu giữ di hài theo phương thức "Tượng táng" như cách gọi của GS-TS Nguyễn Lân Cường; chùa Mui xã Tô Hiệu, một cụm kiến trúc còn khá nguyên bản cuối thế kỷ 14; đền thờ Nguyễn Trãi ở làng Nhị Khê..Về di sản văn hóa phi vật thể, huyện còn lưu giữ nhiều tục ngữ, dân ca địa phương, các sinh hoạt lễ hội các tích trò cổ: kéo lửa nấu cơm thi Từ Vân xã Lê Lợi, các cuộc thi võ cổ truyền, hát trống quân...
Huyện đã triển khai Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, thực thiện nếp sống văn minh trong nếp sống xã hội như cưới, tang, hội hè, và các lễ thức khác. Đã có 78% số hộ đạt Gia đình văn hoá, 58 làng đạt danh hiệu Làng văn hoá, 58 cơ quan, đơn vị doanh nghiệp văn hoá.
Thường Tín thực sự là một vùng quê tươi đẹp với những di tích lịch sử nổi tiếng là:
- Chùa Đại Minh (Thôn Duyên Trường, xã Duyên Thái)
- Đền Thờ Nguyễn Trãi ở xã Nhị Khê
- Chùa Đậu ở xã Nguyễn Trãi
- Đình thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung (xã Tự Nhiên bên dòng sông Hồng)
- Chùa Mui (xã Tô Hiệu)
- Đình Nghiêm Xá - Nghiêm Xuyên
- Cụm di tích đình chùa Liễu Viên - Nghiêm Xuyên
- Đình Cống Xuyên - Nghiêm Xuyên
- Đền Đông Bộ Đầu (xã Thống Nhất)
- Đình Là (Xã Tân Minh)
- Lăng đá Quận Vân (xã Vân Tảo)
- Bến và Đền, chùa Chương Dương (xã Chương Dương)
- Khu đền Lộ, Xâm Dương, đền Sở, đền Dầm, đình chùa đền, lăng Bồ Tát Ninh Xá (xã Ninh Sở)
- Đền, chùa, đình Vân Trai, Yên Phú (xã Văn Phú)
- Đình Đan Nhiễm (xã Khánh Hà)
- Đình Thượng Cung, Ngọc Động (xã Tiền Phong)
- Chùa Pháp Vân (thôn Văn Giáp, xã Văn Bình)
- Đình Bình Vọng, Chùa Văn Hội (xã Văn Bình)
- Đình Vĩnh Lộc, Phú Mỹ (xã Thư Phú)
- Đình Tự Nhiên, Bãi Nổi sông Hồng nơi Chử Đồng Tử gặp Tiên Dung...
- Cụm di tích lịch sử văn hóa Đình - Chùa: Thôn Đống Chanh - xã Minh Cường
Huyện có:
- Phòng giáo dục và đào tạo huyện (trực thuộc Bộ giáo dục và đào tạo Việt Nam)
- Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây
- Trường Cao đẳng Truyền hình
- 6 trường THPT: Thường Tín; Nguyễn Trãi; Tô Hiệu; Vân Tảo; Lý Tử Tấn; Phùng Hưng.
- 30 trường THCS
- 29 trường tiểu học
- Bệnh viện đa khoa huyện Thường Tín
- Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 - Hoà Bình
- Viện Giám định Pháp Y tâm thần Trung ương - Hòa Bình
Huyện hiện nay có các trung tâm y tế, trung tâm dân số và bệnh viện đa khoa huyện Thường Tín hàng năm chữa trị cho hàng vạn người trong huyện cũng như các địa phương lân cận. Ngoài ra 100% các trung tâm y tế xã trong huyện đã có các bác sĩ khám, chữa bệnh
- Qua các Triều đại phong kiến, huyện có gần 70 người đỗ đạt, tiêu biểu là:
- Trần Hòa, Trần Điện và Trần Điền, người phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông dưới triều vua Lý Nam Đế, đã dạy nghề kim hoàn cho thợ bạc ở trong nước.
- Cha con Nguyễn Phi Khanh - Nguyễn Trãi.
- Lý Tử Tấn người làng Triều Đông, xã Tân Minh, cùng đỗ Thái học sinh và cùng tham gia chống giặc Minh dưới cờ Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi
- Nguyễn Chí (Hoàng Giáp) người xã Cao Xá, huyện Thượng Phúc, nay là thôn Cao Xá, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín, Hà Nội. Đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp) khoa Mậu Thìn, niên hiệu Đoan Khánh thứ 4 (1508), đời vua Lê Uy Mục. Quan Thị Lang (thuộc dòng họ Nguyễn lớn nhất thôn Cao Xá trên, hậu duệ là các ông Nguyễn Đăng Trình, Nguyễn Đăng Đệ, Nguyễn Đăng Chu).
- Lê Công Hành (làng Quất Động) - là ông tổ nghề thêu ren...
- Dương Trực Nguyên - đỗ tiến sỹ. Thời Lê sơ là phó suý hội Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông.
- Ngô Hoan - đỗ Hoàng giáp năm 1484, người làng Nghiêm Xá, Nghiêm Xuyên- Đô Ngự sử - Hội viên Hội Tao đàn của vua Lê Thánh Tông. Cụ có hai con trai là Ngô Ước, Ngô Hoành cùng thi đỗ Hoàng giáp và Đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi năm 1527 đời vua Lê Cung Hoàng.
- Lương Văn Can người (làng) xã Nhị Khê, nhà cách mạng Việt Nam, khởi xướng phong trào Đông Kinh nghĩa thục.
- Trần Lư, tiến sĩ triều Lê, ông tổ nghề sơn ta.
- Từ Trọng Đĩnh (1689) Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, người xã Phương Quế huyện Thượng Phúc (nay thuộc xã Liên Phương huyện Thường Tín). Ông là em của Từ Bá Cơ, làm quan Giám sát Ngự sử.
- Nguyễn Khánh, Phó thủ tướng, quê xã Hà Hồi.
- Lê Liêm, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Chủ nhiệm Văn phòng Văn giáo Phủ Thủ tướng.
- Phạm Khôi Nguyên, nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng bộ Tài nguyên Môi trường, Đại biểu Quốc hội khoá XII, quê xã Ninh Sở.
- Tạ Xuân Đại, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, quê xã Quất Động.
- Luật sư Vũ Văn Mẫu, nguyên Thủ tướng, Tổng trưởng Ngoại giao của Việt Nam Cộng Hoà, quê xã Quất Động.
No comments:
Post a Comment