Friday 19 October 2018

Nga – Wikipedia tiếng Việt




Liên bang Nga

Российская Федерация (Nga)
Rossiyskaya Federatsiya


Vị trí của Nga
Vị trí Liên bang Nga (xanh) trên thế giới với vùng Krym không được quốc tế công nhận (xanh nhạt)
Quốc ca

Государственный гимн
Российской Федерации
Gosudarstvennyy Gimn
Rossiyskoy Federatsii

Quốc ca Liên bang Nga
Hành chính
Chính phủ
Cộng hòa liên bang
bán tổng thống
Tổng thống
Vladimir Putin
Thủ tướng
Dmitry Medvedev
Chủ tịch Hội đồng Liên bang
Valentina Matviyenko
Chủ tịch Duma
Vyacheslav Volodin
Thủ đô
Moskva (Москва)
Thành phố lớn nhất
Moskva
Địa lý
Diện tích
17.098.246 (tính thêm Krym [1] km² (hạng 1)
Diện tích nước
13% (gồm cả vùng đầm lầy) %
Múi giờ
UTC+2 đến +12; mùa hè: UTC+3 đến +13
Lịch sử

Độc lập

882
Rus' Kiev
1283
Đại công quốc Moskva
16/1/1547
Nước Nga Sa hoàng
22/10/1721
Đế quốc Nga
6/11/1917
Cộng hoà XHCNXV LB Nga
30/12/1922
Liên Xô
12/6/1990
Tuyên bố chủ quyền
25/12/1991
Liên bang Nga
Dân cư
Ngôn ngữ chính thức
Tiếng Nga,
27 ngôn ngữ khác đồng chính thức
theo từng vùng trong
các nước cộng hòa hợp thành
Sắc tộc
Dân số ước lượng (2017)
144,463,451 tăng[2] (chưa tính Krym) người (hạng 9)
Mật độ
8,4 người/km² (hạng 217)
Kinh tế
GDP (PPP) (2017)
Tổng số: 3 938 tỷ USD[3] (hạng 6)
Bình quân đầu người: 27.466 USD[3] (hạng 52)
GDP (danh nghĩa) (2017)
Tổng số: 1 561 tỷ USD[3] (hạng 11)
Bình quân đầu người: 10.885 USD[3] (hạng 72)
HDI (2015)
0.804[4] rất cao (hạng 49)
Hệ số Gini (2013)
40,1[5] trung bình (hạng 83)
Đơn vị tiền tệ
Rúp Nga (₽) (RUB)
Thông tin khác
Mã ISO 3166-1
RU
Tên miền Internet
.ru, .рф
dự phòng .su
Mã điện thoại
+7
Cách ghi ngày tháng
nn/tt/nnnn (AD)
Lái xe bên
phải

Nga (tiếng Nga: Россия, chuyển tự. Rossiya [rɐˈsʲijə]  ( nghe)), quốc danh hiện tại là Liên bang Nga[6][7] (tiếng Nga: Российская Федерация, chuyển tự. Rossiyskaya Federatsiya [rɐˈsʲijskəjə fʲɪdʲɪˈraʦəjə]  ( nghe)), là một quốc gia ở phía bắc lục địa Á - Âu (châu Âu và châu Á).[8]

Nga là nhà nước cộng hòa liên bang, gồm 83 thực thể liên bang. Nước Nga giáp biên giới với những quốc gia sau (từ tây bắc đến đông nam): Na Uy, Phần Lan, Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan (cả hai đều qua tỉnh Kaliningrad), Belarus, Ukraina, Gruzia, Azerbaijan, Kazakhstan, Trung Quốc, Mông Cổ, và Bắc Triều Tiên. Nước này cũng có biên giới biển với Nhật Bản (qua Biển Okhotsk) và Hoa Kỳ (qua Eo biển Bering). Với diện tích 17,098,246 km², Nga là nước có diện tích lớn nhất thế giới, bao phủ diện tích lục địa Trái Đất. Nga cũng là nước đông dân thứ 9 thế giới với gần 144 triệu người (ước lượng năm 2015).[9]. Nước này kéo dài toàn bộ phần phía bắc châu Á và 40% châu Âu, bao gồm 11 múi giờ và sở hữu nhiều loại môi trường và địa hình. Nga có trữ lượng khoáng sản và năng lượng lớn nhất thế giới[10], và được coi là siêu cường năng lượng[11][12][13]. Nước này có trữ lượng rừng lớn nhất thế giới và các hồ của Nga chứa xấp xỉ lượng nước ngọt không đóng băng của thế giới [14].

Nga đã thiết lập quyền lực và ảnh hưởng khắp thế giới từ thời Đế chế Nga và trở thành nhà nước hợp thành lớn nhất và lãnh đạo bên trong Liên bang Xô viết, nhà nước xã hội chủ nghĩa hợp hiến đầu tiên và được công nhận là một siêu cường[15], đóng vai trò quan trọng[16][17][18] trong thắng lợi của Đồng Minh trong Thế chiến II. Liên bang Nga được thành lập sau sự giải tán Liên Xô năm 1991, nhưng nó được công nhận là sự kế tiếp pháp lý của nhà nước Xô viết.[19]

Nga có nền kinh tế đứng thứ 12 theo GDP danh nghĩa năm 2016 hay lớn thứ 6 theo sức mua tương đương. GDP danh nghĩa theo thống kê của IMF đạt 1.268 tỉ USD, hạng 12 thế giới (năm 2016) sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Ấn Độ, Ý, Brazil, Canada và Hàn Quốc. GDP theo sức mua thực tế đạt 3.580 tỉ USD (năm 2015), hạng 6 thế giới (sau Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật, Đức). Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, thu nhập bình quân của người Nga tính theo GDP danh nghĩa năm 2016 là 8.928 USD/năm, còn tính theo sức mua tương đương (PPP) là 25.965 USD (năm 2015), xếp hạng 48 thế giới[20]

Nga có ngân sách quân sự danh nghĩa lớn thứ 8 hay thứ 3 theo PPP[21]. Đây là 1 trong 5 nhà nước sở hữu vũ khí hạt nhân được công nhận và sở hữu kho vũ khí hủy diệt hàng loạt lớn nhất thế giới.[22]

Nga là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, một thành viên của G8 (nhưng nay đã bị khai trừ), G20, APEC, SCO và EurAsEC, và là thành viên lãnh đạo của Cộng đồng các quốc gia độc lập. Nước Nga có truyền thống lâu dài và giàu có về nhiều lĩnh vực nghệ thuật và khoa học,[8] cũng như một truyền thống mạnh về khoa học công nghệ, gồm cả những thành tựu quan trọng như tàu vũ trụ đầu tiên của loài người. Nga cũng là cường quốc có tiếng nói đối trọng mạnh mẽ với Hoa Kỳ. Tuy vậy, xã hội Nga hiện nay cũng đang phải đổi mặt với nhiều vấn đề, như tỉ lệ tội phạm cao, chủ nghĩa khủng bố, xung đột sắc tộc, tình trạng nghiện rượu của tầng lớp trẻ, nạn tham nhũng tràn lan cũng như mức sống ngày càng đi xuống do hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2014.






Tên gọi Rossiya có nguồn gốc từ Rus, một quốc gia thời Trung Cổ có dân cư chủ yếu là người Đông Slav. Tuy nhiên, bản thân tên gọi này chỉ xuất hiện nhiều trong thời kỳ lịch sử sau này, và các cư dân của quốc gia này gọi đất nước của mình là "Русская Земля" (russkaya zemlya) và nó có thể được dịch thành "Xứ của người Rus'". Các sử gia hiện đại gọi quốc gia này là "Rus Kiev" để phân biệt nó với các quốc gia hậu thân. Bản thân tên gọi Rus có nguồn gốc từ người Rus, một phân nhóm của người Varangia (có thể là người Viking Swede)[23][24] những người đã thành lập nên quốc gia Rus (Русь).

Phiên bản Latinh cổ của tên gọi Rus' là Ruthenia, chủ yếu được dùng để chỉ các vùng phía tây và phía nam của Rus'- những nơi gần kề với châu Âu Công giáo. Tên gọi hiện nay của quốc gia, Россия (Rossiya), bắt nguồn từ tên trong tiếng Hy Lạp Trung đại của Rus Kiev, Ρωσσία Rossía— viết là Ρωσία (Rosía phát âm [roˈsia]) trong tiếng Hy Lạp hiện đại.[25]

Hiện tại, quốc hiệu thông dụng của nước Nga trong Trung văn là "Nga La Tư". Về nguồn gốc của từ "Nga La Tư", có thuyết cho rằng: vào trước thời nhà Nguyên, khi người Mông Cổ tiếp xúc với quốc gia này, do tiếng Mông Cổ có đặc điểm là thuộc Ngữ hệ Altai, không có phụ âm "r" đứng đầu, để tiện cho việc phát âm nên đã lặp lại nguyên âm trong âm thứ nhất của từ. Россия (Rossiya) vì thế biến đổi thành оРоссия (oRossiya), đến thời Nguyên thì người Mông Cổ sử dụng dịch danh Hán tự là "Oát La Tư" (斡羅思, wòluósì). Những năm đầu thời nhà Thanh, trong nhiều văn hiến có sử dụng tên gọi "La Sát" (羅剎), song khi xưng hô giữa quốc gia với nhau thì phần nhiều dịch là Ngạc La Tư (鄂羅斯) hoặc Nga La Tư (俄羅斯). Vào những năm Càn Long thời Thanh, khi soạn "Tứ khố toàn thư" thì chính thức thay đổi thành Nga La Tư (俄羅斯, éluósì)[26]





Lịch sử của nước Nga bắt đầu từ lịch sử Đông Slav. Nhà nước Đông Slav đầu tiên, nước Nga Kiev, đã chấp nhận việc du nhập Ki-tô giáo từ Đế quốc Đông La Mã vào năm 988 [27] khởi đầu sự tổng hòa các nền văn hoá Đông La Mã và Slav lập ra văn hoá Nga trong một nghìn năm tiếp theo.[28] Nước Nga Kiev nhanh chóng tan rã không còn là một Nhà nước nữa, cuối cùng chịu đầu hàng quân xâm lược Mông Cổ trong những năm 1230. Trong thời gian này, một số lãnh đạo địa phương, đặc biệt là xứ Novgorod và xứ Pskov, đã chiến đấu để thừa kế di sản văn hoá và chính trị của nước Nga Kiev.

Sau thế kỷ XIII, Moskva dần trở thành trung tâm văn hoá. Tới thế kỷ XVIII, Đại Công quốc Moskva đã trở thành Đế quốc Nga rộng lớn, trải dài từ Ba Lan về phía đông tới Thái Bình Dương. Sự mở rộng về phía tây càng khiến nước Nga nhận thức được sự khác biệt của họ với đa phần còn lại của châu Âu và phá vỡ sự cô lập từng xảy ra ở những giai đoạn đầu mở rộng. Thời này có Nga hoàng Pyotr Đại Đế xóa bỏ một nước Nga lạc hậu, nửa Á Đông, tiến hành sự nghiệp lớn lao đổi mới đất nước.[29][30] Các vị Nữ hoàng Anna, Elizaveta Petrovna và Ekaterina II đều lên ngôi với những cuộc đảo chính do Ngự Lâm quân hỗ trợ.[31] Với chính sách bành trướng, phát triển thực lực của đất nước, triều đình Nga hoàng đã phá bỏ mối đe dọa từng có từ Vương quốc Thụy Điển và Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman. Các triều đại nối tiếp nhau trong thế kỷ XIX đã đối phó với những áp lực đó bằng sự kết hợp giữa các cuộc cải cách miễn cưỡng và trấn áp. Chế độ nông nô Nga đã bị bãi bỏ năm 1861, nhưng sự huỷ bỏ này thực sự chỉ gây thêm phiền toái cho người nông dân và càng khiến áp lực cách mạng tăng cao. Trong khoảng thời gian từ khi chế độ nông nô bị huỷ bỏ tới khi bắt đầu Chiến tranh thế giới lần thứ nhất năm 1914, các cuộc cải cách Stolypin, hiến pháp 1906 và Duma quốc gia đã mang lại những thay đổi đáng kể cho nền kinh tế và chính trị Nga,[32] nhưng các hoàng đế Nga vẫn không muốn rời bỏ quyền lực tuyệt đối, hay chia sẻ quyền lực.[33]

Cách mạng Nga năm 1917 được khởi phát từ một sự tổng hợp các yếu tố tan rã kinh tế, tình trạng kiệt quệ do chiến tranh, và sự bất bình với hệ thống chính phủ chuyên quyền, và lần đầu tiên một liên minh giữa những người tự do và xã hội chủ nghĩa ôn hoà lên nắm quyền lực, nhưng các chính sách sai lầm của họ đã khiến những người Cộng sản Bolshevik chiếm quyền lực vào ngày 25 tháng 10 (lịch Julius, tức ngày 7 tháng 11 theo lịch Gregory). Từ năm 1922 tới năm 1991, lịch sử Nga chủ yếu là Lịch sử Liên Xô, một nhà nước hoàn toàn dựa trên ý thức hệ gồm các quốc gia láng giềng của Đế quốc Nga trước Hòa ước Brest-Litovsk. Tuy nhiên, việc tiếp cận cách thức xây dựng chủ nghĩa xã hội khác nhau trong từng thời điểm trong lịch sử Liên Xô, từ nền kinh tế pha trộn và xã hội và văn hoá đa dạng hồi thập niên 1920 tới nền kinh tế chỉ huy và trấn áp thời Stalin tới "thời kỳ trì trệ" thập niên 1980. Từ những năm đầu tiên, chính phủ Liên Xô đã dựa trên nền tảng độc đảng của những người Cộng sản, như những người Bolshevik tự gọi mình, từ tháng 3 năm 1918.[34] Tuy nhiên, tới cuối thập niên 1980, khi sự yếu kém của các cơ cấu kinh tế và chính trị đã trở nên gay gắt, các lãnh đạo cộng sản đã tiến hành các cải cách lớn, dẫn tới sự sụp đổ của Liên bang Xô viết.[35]

Lịch sử Liên bang Nga khá ngắn, chỉ bắt đầu từ sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991. Từ khi giành lại độc lập, nước Nga đã được công nhận là nhà nước thừa kế chính thức của Liên Xô trên bình diện quốc tế.[36] Tuy nhiên, nước Nga đã mất vị trí siêu cường của mình và đang phải đối mặt với những thách thức trong các nỗ lực thiết lập một hệ thống kinh tế và chính trị hậu Xô viết. Loại bỏ nền kinh tế kế hoạch tập trung và quyền sở hữu nhà nước thời kỳ Xô viết, nước Nga đang nỗ lực xây dựng một nền kinh tế mang các yếu tố của thị trường tư bản, với những hậu quả nhiều khi khá nặng nề. Thậm chí ngày nay nước Nga vẫn mang nhiều nét đặc trưng văn hoá và xã hội thời kỳ Sa Hoàng và Liên Xô.


Tiền thân của Nga - nước Nga Kiev (Rus Kiev)[sửa | sửa mã nguồn]


Bản đồ gần đúng về các nền văn hóa của Nga phần châu Âu khi người Varangia đến


Phần lớn diện tích đất đai của nước Nga ngày nay là lãnh thổ của các bộ lạc khác nhau như người Goth, Hun và Avar gốc Thổ trong khoảng thời gian từ thế kỷ III tới thế kỷ VI. Bộ lạc người Scythia gốc Iran sinh sống ở các thảo nguyên miền nam, và bộ lạc người Ca dắc (Khazar) gốc Tuốc (Turk) đã cai trị phần phía tây của vùng đất này cho đến thế kỷ VIII. Sau đó họ đã bị bộ lạc gốc Scandinavi là người Varangia thay thế, bộ lạc này đã thiết lập thủ đô tại thành phố của người Slav Novgorod và dần dần hòa trộn với người Slav. Người Slav tạo thành nhóm dân cư chính từ thế kỷ VIII trở đi và đồng hóa một cách chậm chạp cả những người gốc Scandinavi cũng như các bộ lạc bản địa gốc Phần Lan-Ugric, chẳng hạn như người Merya, Muromia và Meshchera.

Chính quyền của người Varangia tồn tại trong vài thế kỷ, trong thời gian đó họ liên kết với Chính thống giáo và chuyển thủ đô về Kiev năm 1169. Trong kỷ nguyên này thuật ngữ "Rhos", hoặc "Russ" lần đầu tiên được sử dụng để chỉ người Varangia và người Slav sinh sống trong khu vực. Từ thế kỷ X đến thế kỷ XI quốc gia Nga Kiev (Киевская Русь) đã trở thành lớn nhất ở châu Âu và rất thịnh vượng nhờ các hoạt động thương mại tích cực với cả châu Âu và châu Á.

Trong thế kỷ XIII khu vực này trở nên suy yếu vì những tranh chấp nội bộ và bị tàn phá bởi những kẻ xâm lược phương đông là Kim trướng của người Mông Cổ và các bộ lạc Hồi giáo gốc Turk, là những kẻ đã cướp bóc các công quốc Nga trên ba thế kỷ. Còn được biết đến như là người Tatar, họ đã cai trị vùng miền nam và miền trung Nga ngày nay, trong khi các vùng miền tây bị sát nhập vào Đại công quốc Litva và Ba Lan. Sự chia cắt về chính trị của Rus Kiev đã tách người Nga ở phía bắc ra khỏi người Belarus và người Ukraine ở phía tây.


Quân tuần tra Muscovie Nga ở biên giới phía nam

Phần phía bắc của Nga cùng với Novgorod vẫn giữ được sự tự trị ở một mức độ nhất định trong thời gian cai trị của người Mông Cổ. Tuy thế Nga cũng đã phải chiến đấu chống lại đội quân thập tự chinh của người Đức khi người Đức có ý đồ chiếm khu vực này làm thuộc địa.

Giống như khu vực Balkan và Tiểu Á sự cai trị kéo dài của những người du mục đã làm chậm sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước này. Sự chuyên quyền kiểu châu Á đã ảnh hưởng tiêu cực tới thể chế dân chủ của đất nước cũng như tới văn hóa và kinh tế.

Bất chấp điều đó, không giống như lãnh đạo tinh thần của mình là Đế chế Byzantine, Nga đã không suy tàn và tổ chức những cuộc nổi dậy để giành độc lập, cuối cùng đã khuất phục được các kẻ thù của mình và khôi phục, mở mang lãnh thổ. Sau thất thủ của Constantinople năm 1453, Nga là quốc gia Chính thống giáo duy nhất còn thực sự hoạt động nhiều hay ít ở phần biên giới phía đông châu Âu, điều này cho phép Nga có quyền nhận mình là quốc gia kế tục hợp pháp của Đế chế Byzantine.


Đế chế Nga[sửa | sửa mã nguồn]



Quân Nga tấn công vùng Siberia cuối thế kỷ XVI dưới sự chỉ huy của Yermak


Trong khi về danh nghĩa vẫn nằm dưới sự cai trị của người Mông Cổ thì công quốc Moskva đã bắt đầu xác nhận ảnh hưởng của mình và cuối cùng đã thoát khỏi sự kiểm soát của những kẻ xâm lăng vào cuối thế kỷ XIV. Ivan Hung đế, vị vua đầu tiên xưng tước vị Sa hoàng, đã kết thúc quá trình này và liên kết các khu vực xung quanh dưới ảnh hưởng của Moskva và ttiến quân tới những vùng đất rộng lớn ở Siberi. Đế chế Nga ra đời.

Sự kiểm soát của Moskva đối với quốc gia mới ra đời còn tiếp tục dưới triều đại Romanov kế tiếp, bắt đầu với Sa hoàng Mikhail Romanov năm 1613. Pyotr Đại đế, Sa hoàng từ 1689 tới 1725, đã thành công trong việc đem các tư tưởng và văn hóa từ Tây Âu vào Nga, khi đó còn chịu ảnh hưởng lớn của nền văn hóa du mục nguyên thủy. Những cải cách của Pyotr cùng với chiến thắng của Nga đánh bại Thụy Điển trong Đại chiến Bắc Âu chống quân Thụy Điển đã đưa Nga vươn lên thành một trong những cường quốc châu Âu khi đó. Các nữ hoàng Elizaveta (Елизаве́та; cai trị 1740-1762), Ekaterina Đại đế (Екатерина II Алексеевна; 1762-1796) đã tiếp bước gầy dựng Đế quốc Nga, bảo trợ khoa học, nghệ thuật, chinh phục nhiều vùng đất lớn của Thụy Điển, Thổ Nhĩ Kỳ và đánh bại Phổ trong chiến tranh Bảy năm.

Tuy nhiên, sự nổi loạn của nông nô bị áp bức và sự cấm đoán tầng lớp trí thức đang phát triển và các giai cấp gần gũi với giai cấp này, cộng thêm gánh nặng thất bại (trận Hải chiến Đối Mã) trước người Nhật trong chiến tranh Nga-Nhật năm 1905 đã dẫn đến cuộc Cách mạng 1905. Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, vai trò của Sa hoàng Nikolai II (Николай Александрович Романов) và triều đại của ông là không vững chắc. Những thất bại nặng nề của quân đội Nga trong Chiến tranh thế giới thứ nhất đã dẫn đến sự nổi dậy rộng khắp trong các thành phố chính của Đế chế Nga và dẫn tới sự sụp đổ của nhà Romanov năm 1917, đó là Cách mạng tháng Hai.

Vào giai đoạn cuối của Cách mạng tháng Mười (1917), những người theo đường lối Bolshevik của Đảng Cộng sản dưới sự lãnh đạo của Vladimir Ilyich Lenin đã giành được chính quyền thành lập Liên Xô. Sự lãnh đạo của Iosif Vissarionovich Stalin đã thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa một đất nước chủ yếu là nông nghiệp và tập thể hóa nền nông nghiệp đưa đất nước phát triển vượt bậc. Điều này cũng làm tăng cường vị thế của Liên Xô.


Nga Xô viết[sửa | sửa mã nguồn]




Sau Cách mạng tháng 10, một cuộc nội chiến bùng phát giữa phong trào Cách mạng Bolsheviks và quân Bạch vệ phản cách mạng, tuy Hòa ước Brest-Litovsk đã chấm dứt những thù địch với Liên minh Trung tâm trong Thế chiến I. Nga đã mất các lãnh thổ tại Ukraina, Ba Lan, và Baltic, và Phần Lan khi ký kết hiệp ước. Các cường quốc Đồng Minh tung ra một can thiệp quân sự hỗ trợ cho các lực lượng chống đảng Bolshevik. Tới cuối cuộc Nội chiến Nga nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của Nga đã bị phá huỷ nghiêm trọng, nạn đói năm 1921 đã làm thiệt mạng từ 1 tới 5 triệu người.[37] Nhờ sự ủng hộ của người dân và lý tưởng chiến đấu cao, lực lượng Xô viết cuối cùng đã đánh bại Bạch Vệ, đánh đuổi được quân của các ngoại quốc can thiệp và thống nhất đất nước.

Liên bang Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết Nga cùng với các nước cộng hoà thuộc Liên xô khác dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã thành lập Liên bang Xô viết ngày 30 tháng 12 năm 1922. Trong số 15 nước cộng hoà thành lập Liên Xô, Liên bang Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết Nga, nước cộng hoà lớn nhất về diện tích và chiếm tới hơn một nửa dân số Nga, thống trị Liên bang Xô viết trong toàn bộ lịch sử 89 năm của nó, Liên bang Xô viết thường được gọi, dù một cách không chính thức, là "Nga" và người dân của nó là "người Nga".

Sau cái chết của Lenin năm 1924, một lãnh đạo Bolshevik khác là Joseph Stalin đã củng cố quyền lực. Ông bãi bỏ các chính sách kinh tế thị trường của Lenin và đưa ra một nền kinh tế chỉ huy, nhanh chóng công nghiệp hoá đất nước vẫn còn hầu hết là nông nghiệp, và tập thể hoá nền nông nghiệp. Những động thái này đã biến Liên Xô từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu trở thành một cường quốc công nghiệp số 2 thế giới chỉ trong một thời gian rất ngắn, chưa đầy 20 năm. Tuy nhiên, sự chuyển tiếp này cũng đi kèm với một giá đắt, cả triệu người đã chết hoặc bị bắt giam vì hậu quả của những chính sách gay gắt của chính phủ (xem Phi kulak hoá, Di chuyển dân cư tại Liên xô, Nạn đói Liên xô 1932–1933).

Ngày 22 tháng 6 năm 1941, Phát xít Đức xâm lược Liên xô với lực lượng lớn nhất và mạnh nhất trong lịch sử nhân loại,[38] mở ra mặt trận lớn nhất của Thế chiến II. Dù quân đội Đức có những thắng lợi to lớn ở thời điểm ban đầu, cuộc tấn công của họ đã bị chặn lại trong Trận Moscow; sau đó người Đức đã phải chịu nhiều thất bại quan trọng khác, đầu tiên tại Trận Stalingrad mùa đông năm 1942–1943,[39] và sau đó tại Trận Kursk vào mùa hè năm 1943. Một nơi khác đánh dấu thất bại của Phát xít trước chủ nghĩa anh hùng Liên Xô là thành phố Leningrad, nơi bị các lực lượng Đức phong tỏa hoàn toàn trên đất liền giai đoạn 1941–44 và phải chịu nạn đói với hàng triệu người chết, nhưng thành phố đã không bao giờ chịu đầu hàng. Dưới sự lãnh đạo của các vị tướng xuất chúng như Georgy Zhukov và Konstantin Rokossovsky, các lực lượng Liên Xô đã chuyển sang phản công, tiến qua Đông Âu năm 1944–45 và chiếm Berlin tháng 5 năm 1945. Sau khi đạt được thắng lợi vĩ đại, quân đội Liên xô đẩy lùi Nhật Bản khỏi vùng Mãn Châu của Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, một đóng góp quan trọng vào thắng lợi của Đồng Minh trước Nhật Bản.



Giai đoạn 1941–1945 của Thế chiến II được gọi là Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại tại Nga. Trong cuộc xung đột này, vốn gồm nhiều chiến dịch quân sự có thiệt hại nhân mạng lớn nhất trong lịch sử loài người, con số thiệt mạng của Liên Xô là 8,7 triệu binh sĩ và 15,9 triệu người thường dân[40] chiếm khoảng một phần ba tổng số thương vong trong Thế chiến II. Kinh tế và hạ tầng Liên Xô bị phá hủy nặng nề[41] nhưng Liên bang Xô viết đã nổi lên trở thành một siêu cường được công nhận. Hồng quân chiếm Đông Âu sau cuộc chiến, gồm cả nửa phía đông của nước Đức; Stalin đã thiết lập các chính phủ xã hội chủ nghĩa tại các quốc gia vệ tinh này. Trở thành cường quốc hạt nhân số hai thế giới, Liên xô đã thành lập Khối hiệp ước Warszawa đồng minh và bước vào một cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng trên thế giới với Hoa Kỳ, được gọi là cuộc Chiến tranh Lạnh. Liên xô đã đưa Chủ nghĩa Cộng sản của mình tới những đồng minh mới giành được độc lập, Trung Quốc cùng với Bắc Triều Tiên, trong khi cũng giúp các nước này thực hiện công nghiệp hoá và phát triển. Sau đó các ý tưởng của Chủ nghĩa Cộng sản cũng đã giành được chỗ đứng tại Cuba và nhiều quốc gia khác.

Sau khi Stalin chết và một giai đoạn lãnh đạo tập thể ngắn, một lãnh đạo mới Nikita Khrushchev lên án sự sùng bái cá nhân với Stalin và khởi động quá trình phi Stalin hoá. Các Gulag bị bãi bỏ và đại đa số tù nhân được thả ra;[42] việc loại bỏ các chính sách của Stalin sau này được gọi là thời kỳ tan băng Khruschev. Liên bang Xô viết phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới, Sputnik 1, và nhà du hành vũ trụ Nga Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay quanh Trái Đất trên tàu vũ trụ có người điều khiển đầu tiên, Vostok 1. Những căng thẳng với Hoa Kỳ lên cao khi hai đối thủ xung đột về việc Mỹ triển khai các tên lửa Jupiter tại Thổ Nhĩ Kỳ và Liên xô triển khai tên lửa tại Cuba.



Sau khi Khrushchev bị buộc phải từ chức, một giai đoạn cầm quyền tập thể ngắn khác kế tiếp, cho tới khi Leonid Brezhnev lên nắm quyền lãnh đạo chính trị Liên xô vào đầu thập niên 1970. Thời kỳ cầm quyền của Brezhnev chứng kiến giai đoạn trì trệ kinh tế, bởi những nỗ lực cải cách của Thủ tướng Alexey Kosygin, đã bị dừng lại. Những cuộc cải cách này có mục tiêu chuyển trọng tâm của nền kinh tế Liên xô từ công nghiệp nặng và sản xuất quân sự sang công nghiệp nhẹ và sản xuất hàng tiêu dùng, tuy nhiên điều này cũng có nghĩa là việc phi tập trung hoá nền kinh tế và áp dụng các yếu tố kiểu tư bản, và giới lãnh đạo trung thành với Chủ nghĩa cộng sản sẽ không bao giờ chấp nhận nó. Từ năm 1979 cuộc chiến tranh Xô viết tại Afghanistan đã làm hao mòn các nguồn tài nguyên kinh tế mà không mang lại một kết quả có ý nghĩa chính trị nào. Cuối cùng các lực lượng Liên xô đã rút khỏi Afghanistan năm 1989 vì sự phản đối quốc tế và thiếu sự ủng hộ từ trong nước. Căng thẳng giữa Liên xô và Mỹ lại gia tăng vào đầu thập niên 1980, được tăng cường bởi tình cảm chống Liên xô tại Mỹ, đề xuất SDI, và vụ bắn hạ chuyến bay 007 của Korean Air Lines năm 1983 của Liên xô.

Trước năm 1991, kinh tế Liên Xô luôn là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới,[43] nhưng trong những năm cuối cùng nó đã bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt hàng hoá, những khoản thâm hụt tài chính và việc tăng nguồn cung tiền đã dẫn tới lạm phát.[44] Từ năm 1985 trở về sau, lãnh đạo cuối cùng của Liên xô Mikhail Gorbachev đã đưa ra các chính sách glasnost (mở cửa) và perestroika (tái cơ cấu) trong một nỗ lực nhằm hiện đại hoá đất nước và biến nó thành dân chủ hơn. Tuy nhiên, việc này đã dẫn tới sự trỗi dậy của các phong trào ly khai và sự giải tán Liên xô. Tháng 8 năm 1991, một cuộc đảo chính quân sự bất thành, chống lại Gorbachev và có mục tiêu duy trì Liên xô, đã dẫn tới sự sụp đổ của nó. Tại Liên bang Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết Nga, Boris Yeltsin lên nắm quyền lực và tuyên bố chấm dứt chế độ xã hội chủ nghĩa. Liên xô tan rã thành 15 nước cộng hoà độc lập và chính thức giải tán tháng 12 năm 1991. Boris Yeltsin được bầu làm Tổng thống Nga tháng 6 năm 1991, cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên trong lịch sử Nga.


Liên bang Nga (1991 tới nay)[sửa | sửa mã nguồn]



Thiết giáp BTR-80 của Quân đội Nga năm 1996

Vào giai đoạn giữa và cuối thập niên 1980, tổng bí thư Mikhail Sergeyevich Gorbachov đề ra glasnost (гласность tức "công khai hóa, mở cửa") và perestroika (Перестройка tức "cải tổ") trong cố gắng để hiện đại hóa chủ nghĩa cộng sản. Những sáng kiến của ông đã vô tình giải phóng các lực lượng mà vào tháng 12 năm 1991 đã chia tách Liên Xô thành 15 nước cộng hòa độc lập trong đó Nga là lớn nhất. Kể từ đó, Nga đã cố gắng để xây dựng một hệ thống chính trị đa đảng và kinh tế thị trường nhằm thay thế cho các sự kiểm soát chặt chẽ về xã hội, chính trị, kinh tế trong thời kỳ Liên Xô. Tuy nhiên, quá trình này không diễn ra êm ả. Kinh tế Nga suy sụp đáng kể trong 10 năm cầm quyền của Tổng thống Yeltsin. Kể từ khi Chechnya tuyên bố độc lập vào đầu những năm thập niên 1990, những cuộc chiến tranh du kích (Chiến tranh Chechnya lần 1, Chiến tranh Chechnya lần 2) đã diễn ra giữa các nhóm người Chechen khác nhau với quân đội Nga. Một số các nhóm này đã trở thành những kẻ Hồi giáo cực đoan theo tiến trình của cuộc chiến. Ước tính có trên 200.000 người đã chết trong các cuộc xung đột này. Các cuộc xung đột nhỏ hơn diễn ra ở Bắc Ossetia và Ingushetia.

Sau thời gian làm tổng thống của Boris Nikolayevich Yeltsin trong những năm thập niên 1990, Vladimir Vladimirovich Putin đã được bầu làm tổng thống năm 1999. Dưới thời kỳ Putin, một số giá trị và chính sách của Liên Xô được tái áp dụng, sự kiểm duyệt của nhà nước đối với các phương tiện thông tin đại chúng ở Nga tăng lên. Phương Tây luôn chỉ trích về quyền con người ở Nga trong thời kỳ Vladimir Putin lãnh đạo, nhưng thời kỳ này đã chứng kiến việc Nga thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế và chính trị, và uy tín của Putin với người dân Nga tăng lên rất cao.

Với sự mất đi ảnh hưởng của Nga tại Gruzia (Cách mạng hồng), Ukraina (Cách mạng da cam) Balan Cách mạng Tulip và một số quốc gia cựu Xô viết cũ, cũng như các vấn đề hiện nay về kinh tế và chủ nghĩa ly khai (nổi cộm nhất là ở Chechnya), một số bình luận viên cho rằng có nguy cơ an ninh đối với nước Nga vẫn là rất cao.

Sau cuộc chiến chớp nhoáng (07 - 12/08/2008) nhằm trả đũa việc quân đội Greogia tấn công những người Nga và lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở Nam Ossetia, Nga công nhận độc lập và chủ quyền của 2 vùng tự trị Abkhazia và Nam Ossetia (26/08/2008). Năm 2015, Nga sáp nhập bán đảo Crimea sau cuộc trưng cầu dân ý của người địa phương. Cuối năm 2015, Nga đem quân hỗ trợ chính phủ Syria trong cuộc chiến chống lại các nhóm nổi dậy và nhà nước Hồi giáo IS. Các động thái này cho thấy tham vọng của Nga trong việc lấy lại vị thế và tiếng nói trong khu vực SNG và cao hơn nữa có thể là việc trở lại vị thế siêu cường của Liên Bang Xô viết trong một hoàn cảnh hoàn toàn mới.




Vladimir Vladimirovich Putin
Dmitry Anatolyevich Medvedev


Theo hiến pháp, được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 12 tháng 12 năm 1993 sau cuộc khủng hoảng hiến pháp Nga năm 1993, Nga là một liên bang và theo chính thức là một nền cộng hoà bán tổng thống, theo đó Tổng thống là nguyên thủ quốc gia[45] và Thủ tướng là lãnh đạo chính phủ. Nga được cơ cấu theo nền tảng một chế độ dân chủ đại diện. Quyền hành pháp thuộc chính phủ.[46] Quyền lập pháp thuộc hai viện của Quốc hội Liên bang.[47] Chính phủ được điều chỉnh bằng một hệ thống kiểm tra và cân bằng được định nghĩa trong Hiến pháp Liên bang Nga, là tài liệu pháp lý tối cao của đất nước và khế ước xã hội cho người dân Liên bang Nga. Chính phủ Liên bang gồm ba nhánh:


  • Lập pháp: Quốc hội Liên bang lưỡng viện, gồm Duma Quốc gia và Hội đồng Liên bang thông qua luật liên bang, tuyên chiến, thông qua các hiệp ước, có quyền phê duyệt ngân sách, và có quyền buộc tội, theo đó có thể phế truất Tổng thống.

  • Hành pháp: Tổng thống là tổng tư lệnh quân đội, có thể phủ quyết dự luật trước khi nó có hiệu lực, và chỉ định Nội các và các quan chức khác, những người giám sát và thực hiện các điều luật và chính sách liên bang.

  • Tư pháp: Toà án Hiến pháp, Toà án Tối cao, Toà án Trọng tài và các toà án liên bang cấp thấp hơn, với các thẩm phán do Hội đồng Liên bang chỉ định theo sự giới thiệu của tổng thống, giải thích pháp luật và có thể bác bỏ các điều luật mà họ cho là vi hiến.


Theo hiến pháp, phán quyết tại toà dựa trên tính bình đẳng của mọi công dân,[48] các thẩm phán là độc lập và chỉ làm theo pháp luật,[49] các phiên toà được mở và người bên bị được quyền có luật sư bào chữa.[50] Từ năm 1996, Nga đã quy định đình hoãn hình phạt tử hình, dù hình phạt tử hình chưa bị pháp luật bãi bỏ.

Tổng thống được bầu theo phổ thông đầu phiếu với nhiệm kỳ sáu năm (được tham gia tranh cử nhiệm kỳ hai nhưng bị hiến pháp cấm cầm quyền ba nhiệm kỳ liên tiếp);[51] cuộc bầu cử gần nhất được tổ chức năm 2018. Các bộ của chính phủ gồm thủ tướng và các phó thủ tướng, bộ trưởng và các cá nhân được lựa chọn khác; tất cả đều do tổng thống chỉ định theo sự giới thiệu của Thủ tướng (tuy nhiên việc chỉ định thủ tướng phải được Duma Quốc gia thông qua).

Nhánh lập pháp quốc gia là Quốc hội Liên bang, gồm hai viện; Duma Quốc gia với 450 thành viên[52] và Hội đồng Liên bang 176 thành viên. Các đảng chính trị lớn của Nga gồm Nước Nga Thống nhất, Đảng Cộng sản, Đảng Dân chủ Tự do Nga, và Nước Nga Công bằng.


Quan hệ ngoại giao[sửa | sửa mã nguồn]




Liên bang Nga được luật pháp quốc tế công nhận là nhà nước kế tục của Liên xô cũ.[19] Nga tiếp tục thực hiện các cam kết quốc tế của Liên xô, và đã nhận chiếc ghế thường trực của Liên xô tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, tư cách thành viên trong các tổ chức quốc tế khác, các quyền và nghị vụ theo các hiệp ước quốc tế, tài sản và các khoản nợ. Nga có chính sách đối ngoại đa dạng. Ở thời điểm năm 2009, nước này có quan hệ ngoại giao với 173 quốc gia và có 142 đại sứ quán.[53]
Chính sách đối ngoại được Tổng thống Nga vạch ra và được Bộ ngoại giao thực hiện.[54]

Là một trong thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, Nga đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Nước này tham gia vào Nhóm bộ tứ cho Trung Đông và Những cuộc đàm phán sáu bên với Bắc Triều Tiên. Nga là một thành viên của G8, Hội đồng châu Âu, OSCE và APEC. Nga thường có vai trò lãnh đạo trong các tổ chức cấp vùng như CSI, EurAsEC, CSTO, và SCO. Cựu tổng thống Vladimir Putin đã ủng hộ một đối tác chiến lược với sự hội nhập ở nhiều cấp độ gồm cả việc thành lập bốn không gian chung giữa Nga và EU.[55] Từ khi Liên xô sụp đổ, Nga đã phát triển một mối quan hệ thân cận hơn dù không ổn định với NATO. Hội đồng NATO-Nga được thành lập năm 2002 để cho phép 26 nước Đồng minh và Nga cùng làm việc như những đối tác bình đẳng để theo đuổi sự hợp tác chung.[56]

Mối quan hệ giữa Nga và Hoa Kỳ trở nên ngày càng căng thẳng trong những năm gần đây sau những sự kiện như cuộc khủng hoảng ở Ukraine năm 2014 dẫn tới việc Nga sáp nhập Crimea, sự can thiệp quân sự của Nga trong cuộc Nội chiến Syria vào năm 2015, và từ cuối năm 2016 với những nghi ngờ về một sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ.

Quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu trong các vấn đề song phương và đa phương thời gian qua. Liên minh Nga – Trung Quốc hoạt động dựa trên nguyên tắc về lợi ích chung nhưng quan hệ chiến lược với Trung Quốc sẽ thực sự là một áp lực trong thập kỷ tiếp theo. Vấn đề trở ngại lớn nhất là sự nới rộng khoảng cách giữa Trung Quốc là nền kinh tế bùng nổ và một nước Nga kém hiện đại hóa đang già cỗi về chính trị. Nga là nạn nhân của sự chuyển hướng toàn cầu sang phương Đông bởi vì nước Nga không thể thích nghi với những đòi hỏi của kỷ nguyên hậu công nghiệp và quan hệ đối tác cân bằng với Trung Quốc trở nên thiếu bền vững và nỗi lo ngại cũ về "mối đe dọa Trung Quốc" sẽ tái hiện.[57] Đối với Trung Quốc, Nga vẫn là một nguồn cung cấp dầu khí hữu ích, tuy kém quan trọng hơn nhiều so với vùng Vịnh và châu Phi.

Theo Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Nga cần phải xây dựng "liên minh hiện đại hoá" với các nước châu Âu để tiếp thu những công nghệ cần thiết và "cần tìm cơ hội khai thác tiềm năng công nghệ của Mỹ". Nga coi Đức, Pháp, Ý và Tây Ban Nha là những đối tác gần gũi nhất của Nga ở châu Âu.[58]

Trong khi Nga thường được công nhận rộng rãi là một cường quốc, trong những năm gần đây một số nhà lãnh đạo thế giới, học giả, các nhà bình luận và chính trị gia đã nhìn nhận về Nga như một siêu cường đang phục hồi hoặc một siêu cường tiềm năng. [59][60][61] [62] [63][64]


Nhân quyền[sửa | sửa mã nguồn]



Nga và Phương Tây thường xuyên có những bất đồng xung quanh vấn đề nhân quyền tại Nga. Các nước Phương Tây cáo buộc chính phủ Nga đã nhiều lần có những hành động vi phạm nhân quyền (bao gồm đàn áp cộng đồng LGBT, hạn chế tự do ngôn luận và giết hại nhiều nhà báo có tư tưởng đối lập). Đặc biệt, các tổ chức như Tổ chức Ân xá Quốc tế coi Nga là không có đủ các điều kiện của một nhà nước dân chủ và chỉ trích chính phủ Nga về việc hạn chế các quyền chính trị và tự do dân sự đối với công dân của mình [65]. Freedom House, một tổ chức quốc tế được tài trợ bởi Hoa Kỳ, xếp Nga vào nhóm các nước "không tự do", đồng thời cáo buộc rằng các cuộc bầu cử ở Nga đã được dàn xếp một cách tinh vi [66] Tại cuộc họp báo chung với Tổng thống George Bush năm 2005 ở Slovakia, Tổng thống Nga Putin đã trả lời về các cáo buộc rằng ông ta là nhà độc tài:


"Nước Nga đã đưa ra lựa chọn của mình theo hướng dân chủ. Mười bốn năm trước, một cách độc lập, không bị bất cứ một sức ép nào từ bên ngoài, nó đã đưa ra quyết định đó trên cơ sở lợi ích của chính mình và lợi ích của người dân - những công dân của nó. Đó chính là lựa chọn cuối cùng của chúng tôi, và chúng tôi không có con đường quay trở lại.

Đầu tiên, chúng tôi không chuẩn bị tạo nên - sáng tạo bất kỳ một kiểu dân chủ đặc biệt nào của Nga; chúng tôi đang chuẩn bị đưa ra các nguyên tắc căn bản của một nền dân chủ từng được thành lập trên thế giới. Nhưng tất nhiên, tất cả các định chế dân chủ hiện đại - các nguyên tắc dân chủ phải tương xứng với tình trạng phát triển hiện tại của nước Nga, với lịch sử và truyền thống của chúng tôi.

Không hề có điều gì bất bình thường ở đây. Về hoạt động của các thể chế dân chủ chính, có thể có một số sự khác biệt, nhưng các nguyên tắc căn bản và nền tảng đang được áp dụng theo cách thức để chúng sẽ được phát triển bởi một xã hội hiện đại và văn minh...

Tôi tin rằng rất nhiều người sẽ đồng ý với tôi, việc áp dụng những nguyên tắc và tiêu chuẩn dân chủ không thể đi liên với sự sụp đổ quốc gia và sự nghèo đói của nhân dân."

Quyền của người đồng tính[sửa | sửa mã nguồn]


Nga được xem như là một trong những quốc gia bảo thủ bậc nhất thế giới về vấn đề đồng tính luyến ái, với các cuộc thăm dò gần đây cho thấy đa số người Nga không chấp nhận đồng tính luyến ái và đã bày tỏ sự ủng hộ đối với luật phân biệt đối xử chống lại người đồng tính [67]. Trong một cuộc thăm dò khác, 62,5% trong số 450 bác sĩ tâm thần được hỏi ý kiến ở Vùng Rostov coi đồng tính là một căn bệnh, và tới ba phần tư coi đó là hành vi vô đạo đức [68]. Một sửa đổi đối với Bộ luật liên bang năm 2013 đã đưa ra quy định bất cứ ai có hành vi thúc đẩy ‘quan hệ tình dục phi truyền thống’ ở trẻ vị thành niên sẽ bị xử phạt hành chính. Mặc dù nhận được sự chỉ trích từ quốc tế đối với tình trạng phân biệt đối xử, tội phạm và bạo lực chống lại người đồng tính, các thành phố lớn của Nga như Moscow và Saint Petersburg được cho là có một cộng đồng LGBT phát triển mạnh [69][70].


Quân đội[sửa | sửa mã nguồn]



Lính Nga trong một cuộc tập trận năm 2017.

Nga thừa hưởng quyền kiểm soát các tài sản của Liên Xô ở nước ngoài và hầu hết các cơ sở và ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô.[71] Quân đội Nga được chia thành Các lực lượng lục quân, Hải quân, và Không quân. Cũng có ba nhánh quân đội độc lập: Các lực lượng tên lửa chiến lược, Các lực lượng quân sự không gian, và Quân nhảy dù. Năm 2014, Nga có 845.000 quân.

Nga có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới. Họ có hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo đứng thứ hai và là nước duy nhất ngoài Hoa Kỳ có một lực lượng máy bay ném bom chiến lược hiện đại.[72] Lực lượng xe tăng Nga lớn nhất thế giới, đồng thời có lực lượng không quân và hải quân hùng hậu đứng thứ 3 thế giới.

Nước này có một ngành công nghiệp vũ khí lớn và phát triển, có thể sản xuất hầu hết các loại trang thiết bị quân sự với chỉ một số ít loại vũ khí phải nhập khẩu. Tuy nhiên việc thiếu kinh phí mua sắm khiến năm 2010, chỉ có khoảng 10% vũ khí trang bị của Nga là được chế tạo mới sau năm 1991, phần lớn các thiết bị còn lại được chế tạo từ thời Xô Viết.[73] Nga nằm trong top các quốc gia cung cấp vũ khí, chiếm 30% thị phần thế giới và có sản phẩm bán tới 80 quốc gia [74]
.
Mọi công dân nam của Nga từ 18–27 tuổi phải đăng ký thực hiện nghĩa vụ một năm trong các lực lượng vũ trang, chính phủ có kế hoạch tăng tỷ lệ binh sĩ chuyên nghiệp lên 70% vào năm 2010. Chi phí quân sự đã tăng gấp bốn lần trong sáu năm qua[75] và chi tiêu quốc phòng chính thức của chính phủ năm 2008 là $40 tỷ, khiến nước này đứng thứ tám về chi phí quân sự trên thế giới,[76] dù nhiều nguồn tin, kể cả tình báo Hoa Kỳ,[77] và Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế,[78] đã ước tính chi phí quân sự của Nga lớn hơn rất nhiều.[79]

Hiện nay, quân đội Nga đang trải qua một quá trình nâng cấp thiết bị lớn trị giá khoảng $200 tỷ trong giai đoạn 2006 đến 2015.[80] Bộ trưởng quốc phòng Anatoliy Serdyukov[81] giám sát các cuộc cải cách lớn với mục đích chuyển đổi từ một quân đội tập trung đông đảo thành một lực lượng chuyên nghiệp nhỏ hơn.[82]

Chính phủ Nga công bố ngân sách quốc phòng năm 2014 là 2,49 nghìn tỉ rub (tương đương 69,3 tỉ USD), lớn thứ 3 sau Mỹ và Trung Quốc. Ngân sách này sẽ tăng lên 3,03 nghìn tỉ rub (83,7 tỉ USD) năm 2015, 3,36 nghìn tỉ rub (93,9 tỉ USD) năm 2016.[83]




Các đơn vị hành chính của Liên bang Nga

Xem thêm:



Liên bang Nga là sự hợp thành của một lượng lớn các chủ thể hành chính cấp liên bang, tổng cộng là 83 đơn vị hợp thành (chủ thể) từ 01 Tháng Ba 2008 như vậy. Sáu loại đối tượng liên bang được phân biệt tại Nga có 22 nước cộng hòa trong phạm vi liên bang có mức độ tự trị cao trong phần lớn các vấn đề và chúng gần như tương ứng với khu vực sinh sống của các bộ tộc người thiểu số ở Nga. Phần còn lại của lãnh thổ bao gồm 9 vùng (krai) và 46 tỉnh (oblast), 3 thành phố trực thuộc trung ương (Moskva, Sankt-Peterburg và Sevastopol), 1 tỉnh tự trị (avtonomnaya oblast) và 4 khu tự trị (avtonomnyi okrug).

Gần đây nhất, 8 vùng liên bang lớn về diện tích (5 vùng ở châu Âu và 3 vùng ở châu Á) đã được bổ sung như một thể chế hành chính giữa các thể chế hành chính nói trên và cấp độ quốc gia.

Ngày 18 tháng ba 2014, Nga và Krym đã ký hiệp ước gia nhập của nước Cộng hoà Krym và thành phố trực thuộc trung ương Sevastopol ở Liên bang Nga của Tổng thống Putin với Quốc hội. Trong giai đoạn chuyển tiếp này sẽ kéo dài đến 01 Tháng 1 năm 2015, hai bên sẽ giải quyết các vấn đề hội nhập các đối tượng mới "trong kinh tế, tài chính, tín dụng và hệ thống pháp luật của Liên bang Nga"



Bản đồ địa lý tự nhiên của Nga


Liên bang Nga trải dài trên phần phía bắc của siêu lục địa Á - Âu. Tuy rằng Nga chiếm phần lớn khu vực Bắc cực và cận Bắc cực nhưng có ít hơn về dân số, hoạt động kinh tế cũng như các sự đa dạng vật lý trên một đơn vị diện tích so với phần lớn các khu vực khác, phần lớn diện tích ở phía nam của khu vực này có phong cảnh và khí hậu đa dạng hơn. Phần lớn đất đai Nga là các đồng bằng rộng lớn, ở cả châu Âu và châu Á, được biết đến như là Siberi. Các đồng bằng này chủ yếu là thảo nguyên về phía nam và rừng rậm về phía bắc, với các tundra (lãnh nguyên) dọc theo bờ biển phía bắc. Các dãy núi chủ yếu nằm ở biên giới phía nam, chẳng hạn như Kavkaz (ở đây có đỉnh Elbrus, là điểm cao nhất thuộc Nga và châu Âu với cao độ 5,633 m) và dãy núi Altai, cũng như ở phần phía đông, chẳng hạn như dãy Verkhoyansk hoặc các núi lửa trên Kamchatka. Dãy Ural, là một dãy núi chạy theo hướng bắc - nam, tạo ra sự phân chia cơ bản giữa châu Âu và châu Á cũng là một dãy núi nổi tiếng.

Nga có đường bờ biển dài trên 37,000 km dọc theo Bắc Băng Dương và Thái Bình Dương[84], cũng như dọc theo các biển mang tính trong nội địa ít hay nhiều như biển Baltic, biển Đen và biển Caspi. Một số các biển nhỏ hơn là các phần của các đại dương như biển Barents, Bạch Hải, biển Kara, biển Laptev và biển Đông Siberi là các phần của Bắc Băng Dương, trong khi các biển như biển Bering, biển Okhotsk và biển Nhật Bản thuộc về Thái Bình Dương. Các đảo chính bao gồm Novaya Zemlya, mũi Franz-Josef, quần đảo Tân Siberi, đảo Wrangel, quần đảo Kuril và Sakhalin. (Xem).

Nhiều con sông chảy qua nước Nga. Xem thêm các.

Các hồ chính bao gồm hồ Baikal, hồ Ladoga, biển hồ Caspi và hồ Onega. Xem Danh sách các hồ ở Nga.






Biên giới[sửa | sửa mã nguồn]


Cách thức thực tế phổ biến nhất để miêu tả nước Nga là miêu tả phần chính (phần tiếp giáp lớn với các quần đảo hay đảo ngoài biển của nó) và phần tách rời (khu vực Kaliningrad ở phía đông nam của biển Baltic).

Biên giới của phần chính và các bờ biển (bắt đầu từ phần xa nhất về phía tây bắc và tính ngược chiều kim đồng hồ) là:


  • Biên giới với các quốc gia sau: Na Uy và Phần Lan

  • Bờ biển ngắn trên biển Baltic, tiếp giáp với 8 quốc gia khác trên biển này, từ Phần Lan tới Estonia và bao gồm cả cảng St. Petersburg.

  • Biên giới với Estonia, Latvia, Belarus và Ukraina.

  • Bờ biển trên biển Đen, tiếp giáp với 5 quốc gia khác từ Ukraina tới Gruzia.

  • Biên giới với Gruzia và Azerbaijan.

  • Bờ biển trên biển Caspi, tiếp giáp với 4 quốc gia khác từ Azerbaijan tới Kazakhstan.

  • Biên giới với Kazakhstan, Trung Quốc, Mông Cổ, Trung Quốc một lần nữa và Bắc Triều Tiên.

  • Đường bờ biển mở rộng cho phép đi lại và giao thương với tất cả các quốc gia có lãnh thổ biển trên toàn thế giới, và kéo dài

Phần tách rời là tỉnh Kaliningrad, tỉnh này có:


  • Chung biên giới với:

  • Bờ biển phía tây bắc nhìn ra biển Baltic.

Các bờ biển thuộc các biển Baltic và biển Đen của Nga có đường giao lưu ra đại dương ít trực tiếp và rắm rối hơn so với các bờ biển thuộc Thái Bình Dương và Bắc Băng Dương, nhưng cả hai đều có vai trò quan trọng. Biển Baltic cho phép Nga có giao thương đường biển nhanh chóng với 9 quốc gia có chung bờ biển này cũng như giữa phần lục địa chính của Nga với tỉnh Kaliningrad. Thông qua eo biển nằm trong Đan Mạch, và giữa nó với Thụy Điển thì biển Baltic thông ra biển Bắc và Đại Tây Dương về phía tây và bắc của nó. Biển Đen cho phép Nga có giao thương đường biển nhanh chóng với 5 quốc gia khác có chung bờ biển, thông qua các eo biển Dardanelles và Marmora liền kề với Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ để nối vào Địa Trung Hải với nhiều quốc gia có bờ biển ở đó và thông qua kênh đào Suez để sang Ấn Độ Dương và eo biển Gibraltar để sang Đại Tây Dương. Biển Caspi, hồ nước mặn lớn nhất thế giới, không có đường giao thông với biển cả.


Phạm vi không gian[sửa | sửa mã nguồn]


Hai điểm xa nhau nhất tại Nga cách nhau khoảng 8,000 km trên đường trắc địa (geodesic). Một trong hai điểm này nằm trên biên giới với Ba Lan, trên một khoảng đất dài 60 km chia vịnh Gdansk với phá Vistula. Còn điểm kia nằm tại cực đông - nam của quần đảo Kuril, chỉ vài dặm cạnh đảo Hokkaido của Nhật.

Để diễn tả sự to lớn này, người ta thường nói là Nga bao trùm 11 múi giờ. Tuy nhiên, sự diễn tả này có thể gây nhầm lẫn vì hai điểm xa nhau nhất nếu tính theo kinh tuyến chỉ cách nhau 6,600 km trên đường trắc địa. Một trong hai điểm này nằm trên biên giới với Ba Lan (nói bên trên); còn điểm kia nằm trên quần đảo Diomede (đảo Ratmanova). Và hơn nữa, chính phủ Nga đã quyết định giảm số múi giờ từ 11 xuống 9, thậm chí là 5 để phát triển kinh tế.[85]


Khí hậu[sửa | sửa mã nguồn]



Khí hậu Liên bang Nga được hình thành dưới ảnh hưởng của nhiều yếu tố xác định. Diện tích to lớn của đất nước và sự xa tách khỏi biển của nhiều vùng dẫn tới một kiểu khí hậu lục địa ẩm và cận Bắc Cực, là kiểu khí hậu phổ biến ở châu Âu và vùng châu Á của Nga ngoại trừ lãnh nguyên và vùng cực đông nam. Các dãy núi ở phía nam ngăn chặn các khối không khí ấm từ Ấn Độ Dương, trong khi đồng bằng phía tây và phía bắc khiến nước này mở rộng với những ảnh hưởng từ Bắc Cực và Đại Tây Dương.[86]



Trên hầu khắp lãnh thổ chỉ có hai mùa riêng biệt mùa đông và mùa hè, mùa xuân và mùa thu thường chỉ là những giai đoạn thay đổi ngắn giữa thời tiết cực thấp và cực cao[86]. Tháng lạnh nhất là tháng 1 (tháng 2 trên bờ biển), tháng ấm nhất thường vào tháng 7. Sự chênh lệch nhiệt độ lớn là điều thông thường. Vào mùa đông, nhiệt độ lạnh đi cả từ phía nam tới phía bắc và từ phía tây tới phía đông. Mùa hè có thể khá nóng và ẩm, thậm chí tại Xibia. Một phần nhỏ của bờ Biển Đen quanh Sochi có khí hậu cận nhiệt đới.[87] Những vùng nội địa là những nơi khô nhất.


Động thực vật[sửa | sửa mã nguồn]



Từ bắc xuống nam đồng bằng Đông Âu, cũng được gọi là đồng bằng Nga, bị bao phủ trong lãnh nguyên Bắc Cực, những cánh rừng lá kim (taiga), những cánh rừng hỗn giao, đồng cỏ (thảo nguyên) và bán hoang mạc (bao quanh Biển Caspian), bởi những thay đổi trong thực vật phản ánh những thay đổi trong khí hậu. Siberia cũng có một mô hình tương tự nhưng chủ yếu là taiga. Nga có trữ lượng rừng lớn nhất thế giới,[88] được gọi là "lá phổi của châu Âu",[89] đứng thứ hai chỉ sau rừng mưa Amazon về khối lượng hấp thụ CO2. Những cánh rừng Nga sản xuất ra một khối lượng lớn ôxy không chỉ cho châu Âu mà cho toàn thế giới.



Có 266 loài có vú và 780 loài chim tại Nga. Tổng cộng 415 loài thú đã được đưa vào Sách Đỏ Nga vào năm 1997,[90] và hiện đang được bảo vệ.




Một nông trại nhỏ tại Malinovka.

Nga có một nền kinh tế hỗn hợp có thu nhập trung bình cao với nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ, đặc biệt là dầu mỏ và khí tự nhiên. Quốc gia này có diện tích lớn nhất trên thế giới và là nhà sản xuất dầu lửa lớn nhất, vào năm 2016 kinh tế Nga đứng hàng thứ 13 trên thế giới và đứng thứ 5 châu Âu theo GDP danh nghĩa hoặc đứng thứ 6 trên thế giới và đứng thứ 2 châu Âu theo GDP theo sức mua tương đương (~3.300 tỷ USD năm 2016[91])

Hơn hai thập kỷ sau sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991, Nga vẫn còn đang cố gắng để thiết lập một nền kinh tế thị trường và để thu được sự phát triển kinh tế bền vững. Trong 5 năm đầu nền kinh tế Nga đã phát triển không ổn định do các cơ quan hành pháp và lập pháp còn nhiều bất đồng trong việc hoàn thiện công cuộc cải cách và các nền tảng công nghiệp của Nga chịu sự suy thoái nặng nề. Ngoài ra, sự thiếu hụt thực phẩm năm 1997, mà hậu quả của nó là đã phải cần đến sự trợ giúp quốc tế trên bình diện rộng, đã làm tổn thương nghiêm trọng lòng tự hào cũng như nền kinh tế nói chung của nước Nga mới ra đời.

Tuy thế, mặc dù không hiệu quả trong điều kiện kinh tế thị trường và khẩu vị của người tiêu dùng nhưng nền kinh tế cựu Xô viết nói chung đã được chấp nhận là đã tạo cho người dân Nga nói chung có mức sống tiêu chuẩn kể từ sau những năm giữa thập niên 1950 cao hơn so với công dân của nhiều quốc gia đã phát triển theo định hướng tư bản và kinh tế thị trường như México, Brasil, Ấn Độ và Argentina. Tuy thế, các chủng loại hàng tiêu dùng (cụ thể là quần áo và lương thực, thực phẩm) là tương đối đơn giản về mẫu mã, và sự thiếu hụt của hàng tiêu dùng trong gia đình đã bị kêu ca nhiều ở các khu vực thành thị.

Sau sự tan rã của Liên Xô, sự phục hồi nhỏ của Nga dưới ảnh hưởng của kinh tế thị trường lần đầu tiên diễn ra vào khoảng năm 1997. Trong năm đó, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á đã lên đến điểm đỉnh trong việc phá giá của đồng rúp vào tháng 8 năm 1998, làm cho chính phủ bị vỡ nợ và làm suy giảm trầm trọng mức sống tiêu chuẩn của phần lớn dân chúng. Vì thế, năm 1998 cũng đã được ghi nhận như là năm của suy thoái và sự tăng cường rút vốn ra khỏi nền kinh tế.



Tuy nhiên, nền kinh tế Nga đã phục hồi vừa phải trong năm 1999. Kinh tế Nga đã đi vào trong giai đoạn phát triển nhanh, GDP tăng trưởng trung bình 6,8% trên năm trong giai đoạn 1999-2004 trên cơ sở của giá dầu mỏ cao, đồng rúp yếu, và tăng trưởng của các ngành công nghiệp và dịch vụ. Nhưng sự phát triển kinh tế này là không đều: khu vực thủ đô Moskva cung cấp tới 30% GDP của toàn quốc.

Sự phục hồi kinh tế này cùng với cố gắng cải tổ của chính quyền trong các năm 2000-2001 để thúc đẩy cải cách về cấu trúc đang bị thụt lùi, đã làm tăng sự tin cậy của các nhà kinh doanh và đầu tư về triển vọng của nền kinh tế Nga trong thập niên thứ hai của thời kỳ chuyển đổi. Nga vẫn dựa chủ yếu vào xuất khẩu hàng hóa, cụ thể là dầu mỏ, khí đốt, kim loại và gỗ, các mặt hàng này chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu, điều này làm cho Nga dễ bị thương tổn vì các biến động giá cả trên thị trường quốc tế. Trong những năm gần đây, nền kinh tế Nga đã nhắm nhiều hơn vào nhu cầu về các mặt hàng tiêu dùng trong nước, là lĩnh vực có mức tăng trưởng trên 12% mỗi năm trong giai đoạn 2000-2004, chỉ ra sự lớn mạnh dần lên của thị trường nội địa. Những năm tiếp theo, tiêu thụ nội địa cao hơn và nền chính trị ổn định hơn đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Nga. Từ 1999-2008 kinh tế nước Nga đã liên tục có tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng tăng trưởng đã chậm lại ở vài năm sau đó với sự suy giảm của giá dầu và khí đốt.

Với việc Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và các quốc gia khác áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea bất hợp pháp vào năm 2014 cùng với sự sụt giảm mạnh của giá dầu trong năm đó, nền kinh tế Nga đã lâm vào một cuộc khủng hoảng tài chính sâu sắc [92][93]. Cuộc khủng hoảng này đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Nga, bao gồm cả người tiêu dùng và các công ty, cũng như có một tác động tiêu cực đến thị trường tài chính toàn cầu. Thực tế đã cho thấy, chính người dân Nga đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng này mang lại. Lệnh cấm vận của Phương Tây cũng đã ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất và tiêu dùng của Nga. Việc giá cả sẽ tăng do tình trạng thiếu hụt và lạm phát tăng, dẫn đến tiết kiệm giảm, tiền lương giảm và thất nghiệp gia tăng, hệ quả là chất lượng cuộc sống của người dân Nga giảm sút, đặc biệt là các gia đình trung lưu và những người Nga nghèo. Vào năm 2016, mức lương trung bình của người Nga chỉ là 450 $ một tháng (so với mức 967$ một tháng vào năm 2013), thấp hơn cả Trung Quốc và Ba Lan [94]. Tỉ lệ người sống dưới mức nghèo ở Nga đang có chiều hướng gia tăng, từ 16.1 triệu người năm 2015 đã nhảy vọt lên con số 19.2 triệu người năm 2016 [95]. Đổng rúp của Nga cũng liên tục mất giá. Tính đến tháng 3 năm 2016, giá trị của đồng rúp chỉ còn bằng 50% so với thời điểm tháng 7 năm 2014 [96].

Năm 2016, GDP của Nga đạt 3.300 tỷ USD theo sức mua tương đương, làm cho Nga trở thành nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới và thứ 2 ở châu Âu[91].

Thách thức lớn nhất đối với Nga là các biện pháp để thúc đẩy sự phát triển của các xí nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong điều kiện môi trường kinh doanh với hệ thống ngân hàng trẻ và khác thường, được nắm giữ bởi các ông trùm Nga (oligarch). Nhiều ngân hàng Nga là sở hữu của các nhà doanh nghiệp hay các ông trùm, là những người thông thường sử dụng các khoản tiền gửi ở ngân hàng để cho các doanh nghiệp của chính mình vay mượn. Ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) và Ngân hàng thế giới (WB) đã có những cố gắng để kích hoạt khởi động các hoạt động ngân hàng thông thường bằng cách cấp vốn và mua lại các khoản nợ trong một số ngân hàng nhưng thành tựu thu được là không đáng kể.

Các vấn đề khác bao gồm sự phát triển mất cân bằng giữa các khu vực của Nga. Trong khi khu vực thủ đô Moskva là hối hả, có cuộc sống thịnh vượng với thu nhập trên đầu người nhanh chóng đạt tới mức của các nền kinh tế hàng đầu châu Âu thì phần lớn các khu vực còn lại, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và khu vực của người thiểu số ở châu Á, đã bị tụt lại đằng sau rất nhiều. Sự phân hóa thời kinh tế thị trường cũng cảm nhận được ở các thành phố lớn khác như Sankt-Peterburg, Kaliningrad và Ekaterinburg.


Trung tâm Thương mại quốc tế Moskva, Nga.

Thúc đẩy đầu tư nước ngoài cũng là một thách thức lớn. Ngoài ra, Nga cũng được hưởng lợi từ việc tăng giá dầu mỏ và vì thế có khả năng thanh toán các khoản nợ khổng lồ cũ. Sự phân bổ công bằng các thu nhập từ các nguồn tài nguyên thiên nhiên này từ công nghiệp cho các lĩnh vực khác cũng là một vấn đề. Việc định hướng cho người tiêu dùng và thúc đẩy chi tiêu vào hàng tiêu dùng là một việc khá khó khăn đối với nhiều khu vực ở các nông thôn, khi mà ở các khu vực này nhu cầu tiêu dùng rất đơn giản, mặc dù đã có nhiều tiến bộ đáng khen ngợi đã được thực hiện ở các thành phố lớn, đặc biệt là trong các lĩnh vực như may mặc, lương thực, thực phẩm, công nghiệp giải trí.

Việc bắt giữ nhà kinh doanh giàu có nhất Nga khi đó là Mikhail Khodorkovsky với các tội quy kết là gian lận và tham nhũng trong quá trình tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn dưới thời tổng thống Boris Yeltsin đã làm cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài e ngại về tính ổn định của nền kinh tế Nga. Phần lớn những người giàu có nhất ở Nga hiện nay là nhờ việc mua bán các doanh nghiệp nhà nước khi đó với giá rẻ như bèo. Các quốc gia khác cũng bày tỏ sự e ngại và lo lắng với việc áp dụng "có lựa chọn" của luật pháp đối với các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, một số tập đoàn quốc tế đã đầu tư rất lớn vào Nga. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Nga có khoảng 26 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp tích lũy của người nước ngoài trong giai đoạn 2001-2004 (trong đó 11,7 tỷ USD diễn ra trong năm 2004).

Tuy nhiên, chính phủ của ông Putin đã bị chỉ trích rằng đã không tạo ra được một môi trường kinh doanh thân thiện, không đẩy lùi được nạn tham nhũng và không gia tăng đầu tư vào các lĩnh vực có thể đưa nền kinh tế Nga bớt phụ thuộc vào việc xuất khẩu năng lượng. Khu vực dầu mỏ và khí đốt của Nga chiếm tới gần 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và khoảng 30% tổng thu nhập ngân sách quốc gia.


Nông nghiệp và lâm nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]


Tổng diện tích đất canh tác của Nga ước tính là 1.237.294 km vuông (477.722 sq mi), lớn thứ tư trên thế giới [97]. Từ năm 1999 đến năm 2009, nông nghiệp của Nga tăng trưởng đều đặn [98], và đất nước chuyển từ một nước phải nhập khẩu ngũ cốc trở thành nước xuất khẩu ngũ cốc lớn thứ ba thế giới sau EU và Hoa Kỳ [99]. Sản lượng thịt đã tăng từ 6,813.000 tấn năm 1999 lên 9.331.000 tấn trong năm 2008 và vẫn tiếp tục tăng [100]. Trong khi các trang trại lớn tập trung chủ yếu vào sản xuất ngũ cốc và các sản phẩm chăn nuôi như sữa hay trứng, các hộ gia đình tư nhân nhỏ đã sản xuất hầu hết lượng khoai tây, rau và trái cây của cả nước [101]. Nga hiện là nước sản xuất lúa mạch, kiều mạch và yến mạch đứng đầu thế giới cũng như là một trong những nhà sản xuất và xuất khẩu lúa mạch đen, hạt hướng dương và lúa mì lớn nhất thế giới.

Trải dài từ biển Baltic đến Thái Bình Dương, Nga là quốc gia có diện tích rừng lớn nhất thế giới, chiếm 1/5 diện tích rừng của thế giới [102][103]. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu năm 2012 bởi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc và Chính phủ Liên bang Nga, tiềm năng to lớn này vẫn chưa được khai thác đúng mức.[104]


Công nghiệp[sửa | sửa mã nguồn]


Xe UAZ-452, một sản phẩm công nghiệp phổ biến của hãng UAZ đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Hình chụp năm 2009.

Nga được thừa hưởng nền tảng công nghiệp rất mạnh của Liên Xô, siêu cường công nghiệp đứng thứ 2 thế giới. Sau khi Liên Xô tan rã, khoảng 60% các cơ sở công nghiệp của Liên Xô thuộc về lãnh thổ Nga, các cơ sở này đảm bảo duy trì được vị thế cường quốc công nghiệp của Nga trên thế giới.

Tuy nhiên, giai đoạn kinh tế trì trệ thập niên 1990 khiến các cơ sở công nghiệp của Nga bị suy yếu đi nhiều. Theo kết quả khảo sát 2013 do Trung tâm nghiên cứu vĩ mô (CMR) của ngân hàng Sberbank của Nga công bố thì nền tảng công nghiệp Nga đang bị lão hóa. Gần 60% các xí nghiệp Nga cần nâng cấp trang thiết bị trong vòng 3 năm tới để duy trì hoạt động cũng như thị phần nội địa. Các mặt hàng công nghiệp nhẹ của Nga có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới tương đối yếu trong tương lai gần. Có tới 36% xí nghiệp được hỏi ý kiến cho biết họ không có kế hoạch mở rộng sản xuất trong vòng 5 năm tới; 38% nói có lẽ họ sẽ mở rộng trên thị trường nội địa; 19% nhắm vào các thị trường gần là các nước thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) và chỉ có 9% có kế hoạch mở rộng kinh doanh ra thị trường thế giới trong dài hạn. Gần 83% xí nghiệp Nga được hỏi ý kiến nói họ chỉ có thể bán sản phẩm trên thị trường trong nước, trong khi 88% nói nguồn cung chủ yếu cho xí nghiệp về nguyên liệu và thiết bị là nguồn cung nội địa[105]



Trong thời Chiến tranh Lạnh, các tổ hợp công nghiệp của Liên Xô đảm bảo duy trì nền quân sự Xô viết mạnh mẽ với nguồn ngân sách thường chiếm từ 10-20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Liên Xô. Công nghiệp vũ khí của Nga là khu vực hiện đại nhất và nằm trong định hướng xuất khẩu của Nga Xuất khẩu vũ khí của Nga luôn giữ vị trí thứ 2 trên thế giới về giá trị.

Nếu như tại Mỹ, các tổ hợp công nghiệp quốc phòng và các dự án vũ trụ tập trung vào một số tập đoàn khổng lồ độc quyền và một hệ thống dịch vụ hậu cần làm việc dưới sự chỉ đạo của Bộ quốc phòng và NASA thì nền công nghiệp quốc phòng Nga hiện nay phân tán thành rất nhiều các xí nghiệp nhỏ. Với một chu trình sản xuất cồng kềnh và nhiều tầng nấc như vậy khó có thể đạt được một kết quả tích cực và đột phá nào trong ngành công nghiệp quốc phòng vì mâu thuẫn lợi ích của rất nhiều thành viên tham gia vào chu trình sản xuất đó[106]. Độ tuổi trung bình của những người đang làm việc trong các tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga là từ 55 đến 57 (số liệu tháng 5/2013). 30% trong số đó đã ngoài 60 trong khi giới trẻ không chịu vào làm việc vì lương thấp. Để khắc phục những vấn đề này, hiện nay, Nga đang tiến hành sáp nhập các nhà máy quốc phòng thành các tổ hợp lớn hơn để khắc phục những điểm yếu trên và nâng cao sức cạnh tranh[cần dẫn nguồn].


Công nhân kỹ thuật sản xuất bên trong nhà máy hóa chất OAO Novosibirsk

Nước Nga hiện nay được thừa hưởng từ chế độ Xô Viết ba nhóm công nghiệp cơ bản với khả năng cạnh tranh cực cao là các tổ hợp công nghiệp - quốc phòng, ngành công nghệ vũ trụ và chế tạo máy và trang thiết bị công nghệ hạt nhân. Các tổ hợp công nghiệp - quốc phòng và công nghiệp vũ trụ, trong vòng 20 năm từng lâm vào tình trạng suy thoái. Các kỹ sư của các xí ngiệp công nghiệp quốc phòng Nga lớn nhất phải thực tập ở 5 trung tâm công nghệ ở Ý và Đức.[107] Tuy nhiên với sự quan tâm và rót ngân sách từ chính phủ, hiện nay các ngành này đang phát triển trở lại[cần dẫn nguồn]. Từ sau khi Mỹ ngừng sử dụng tàu con thoi năm 2010, Nga là nước duy nhất có thể tự tiến hành việc phóng tên lửa lên vũ trụ để vận chuyển hàng cho trạm vũ trụ quốc tế ISS. Để thay thế tàu con thoi cũ, tên lửa SpaceX của Mỹ đã 9 lần phóng thành công lên quỹ đạo, mục tiêu là có thể tái sử dụng nhiều lần[108], tuy nhiên SpaceX mới hạ cánh thành công 2 lần và đến cuối 2016 mới thử nghiệm sử dụng tên lửa tái chế. Còn từ đây đến năm 2022, Mỹ vẫn sẽ phải mua 18 động cơ tên lửa RD-180 của Nga để đưa hàng lên vũ trụ[109]

Nga còn thành lập các công ty ở phương Tây để còn bí mật thu mua, đặt hàng các linh kiện điện tử từ các nhà sản xuất Mỹ rồi đem về đóng gói và xuất chúng sang cho các công ty ở Nga. Các linh kiện này dùng cho Bộ Quốc phòng Nga, Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB, trước đây là KGB) và ngay cả các pháp nhân Nga liên quan đến việc thiết kế vũ khí và đầu đạn hạt nhân. Đặc vụ FBI nói rằng hoạt động này đã hủy hoại đáng kể an ninh quốc gia của Mỹ bằng việc thu mua các linh kiện điện tử tối tân, kỹ thuật cao và đưa lậu chúng đến Nga, từ đó các linh kiện điện tử này giúp nâng cao năng lực của cơ quan tình báo Nga, góp phần hiện đại hóa cả quân đội và chương trình vũ khí hạt nhân của Nga[110]. Được biết, linh kiện điện tử mà công ty Nga mỗi năm mua của Mỹ trị giá khoảng 2 tỷ USD. Trong đó, chiếm 75-80% linh kiện dùng cho vệ tinh Glonass-M đều xuất xứ từ của các nước phương Tây.

Khi Nga bị phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt do can thiệp vào cuộc khủng hoảng tại Ukraine thì doanh nghiệp quân sự và hàng không vũ trụ của họ phải lập kế hoạch chuyển sang những đối tác mới. Các công ty này đã mua nhiều linh kiện điện tử với tổng trị giá hàng tỷ USD từ Trung Quốc.[111] Tuy trình độ của Trung Quốc không phải là cao nhất thế giới, nhưng hệ thống sản xuất của nước này rất hoàn chỉnh, khả năng tự cung tự cấp rất mạnh và luôn liên tục phát triển. Hợp tác quy mô lớn với doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc trong lĩnh vực vi điện tử sẽ là bước đầu tiên trong việc hình thành liên minh công nghệ quốc gia BRICS. Với việc Trung Quốc sử dụng hệ thống nghiên cứu sản xuất linh kiện hiện có và kho nhân tài công nghệ, còn Nga phát huy những ưu thế có được trong các dự án nghiên cứu hàng chục năm qua, sự hợp tác công nghệ cao giữa 2 nước có thể phá vỡ được ưu thế của phương Tây trong lĩnh vực linh kiện điện tử. Ngay cả tên lửa đẩy siêu cấp Angara mà Nga đang nghiên cứu cũng có thể đang sử dụng linh kiện nước ngoài, vì vậy một khi phương Tây ngừng cung cấp cho Nga thì Nga có thể chuyển sang mua từ Trung Quốc.[112]. Tuy Trung Quốc có thể giúp Nga giải quyết nhiều vấn đề nhưng không thể giải quyết toàn bộ vấn đề được. Một là tính năng sản phẩm liệu có thể có thể thay thế hoàn toàn sản phẩm tương tự của phương Tây, 2 là chủng loại liệu có đủ hoàn toàn, 3 là linh kiện mới có thể vẫn cần một thời gian hoạt động với nền tảng của Nga. Tuy nhiên, việc mua linh kiện điện tử từ Trung Quốc có một chút lợi thế, một là cung ứng đảm bảo, hai là giá sẽ tương đối ưu đãi..


Năng lượng[sửa | sửa mã nguồn]




Bên trong Viện Vật lý năng lượng tại thành phố Protvino

Nga được thừa nhận là một siêu cường năng lượng. Nga là một trong các quốc gia có sản lượng khí đốt hàng đầu thế giới, trữ lượng dầu mỏ đứng thứ tám, thứ hai về trữ lượng than.

Nga là nhà xuất khẩu khí tự nhiên và nhà sản xuất khí tự nhiên hàng đầu thế giới, dù thỉnh thoảng Nga và Ả Rập Xê Út thay đổi vị trí về tiêu chí. Châu Âu hiện nhập khẩu đến 1/3 nhu cầu khí đốt từ Nga, mặc dù thời gian qua châu lục này đã cố gắng giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Hoa Kỳ đã tăng nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có 6% lượng nhập khẩu khí đốt của châu Âu là tới từ Hoa Kỳ. Sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga ở châu Âu vẫn rất lớn. Ở Italy, khí đốt Nga chiếm 37% lượng nhập khẩu. Ở Đức tỉ lệ này khoảng 28%. Sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu của Slovenia, Hy Lạp và Hungary ở mức từ 41-45%. Không có khí đốt của Nga, họ sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhiên liệu nghiêm trọng sau khoảng 10 ngày. Đặc biệt là Cộng hòa Séc, Slovakia, Phần Lan, Litva, Latvia, Estonia gần như phụ thuộc 100% vào khí đốt Nga.[113]

Nga là nước sản xuất điện hàng thứ 4 thế giới và nhà sản xuất năng lượng tái tạo hàng thứ 5 thế giới, tiêu chí sau nhờ nước này đã phát triển mạnh việc sản xuất thuỷ điện. Những nhà máy thuỷ điện lớn đã được xây dựng ở vùng châu Âu của Nga dọc theo các con sông như Volga. Vùng châu Á của Nga cũng có một số nhà máy thuỷ điện lớn, tuy nhiên, tiềm năng thuỷ điện vĩ đại của Siberia và Viễn Đông Nga phần lớn vẫn chưa được khai thác.

Nga là nước đầu tiên phát triển lò phản ứng hạt nhân dân sự và xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Hiện tại, Nga là nhà sản xuất điện hạt nhân đứng thứ 4. Rosatom quản lý toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân tại Nga. Năng lượng hạt nhân đang phát triển nhanh chóng tại Nga, với mục tiêu tăng tổng thành phần năng lượng hạt nhân từ mức 16.9% hiện nay lên 23% vào năm 2020. Chính phủ Nga có kế hoạch chi 127 tỷ rubles ($5.42 triệu) cho một chương trình liên bang để phát triển việc sản xuất năng lượng hạt nhân thế hệ tiếp theo. Khoảng 1 nghìn tỷ ruble ($42.7 triệu) đã được chi từ ngân sách liên bang cho việc phát triển năng lượng hạt nhân và phát triển công nghiệp trước năm 2015.[114] Nga vẫn là một trong những nước đứng đầu thế giới về công nghệ hạt nhân và là một thành viên của dự án lò phản ứng hạt nhân quốc tế.


Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ[sửa | sửa mã nguồn]




Từ đầu thế kỷ XVIII những cuộc cải cách của Pyotr Đại đế (người sáng lập Viện Hàn lâm Khoa học Nga và Đại học Quốc gia Saint Petersburg) và những đóng góp của những người từng tốt nghiệp tại đó như học giả Mikhail Lomonosov (người sáng lập Đại học Quốc gia Moscow) đã giúp nước Nga có được sự phát triển mạnh trong khoa học và phát minh. Trong thế kỷ XIX và XX nước này đã sản sinh ra một lượng lớn các nhà khoa học và nhà phát minh. Nikolai Lobachevsky, một Copernicus trong hình học, đã phát triển hình học phi Euclid. Dmitri Mendeleev phát minh ra Bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học, khuôn khổ chính của hoá học hiện đại. Gleb Kotelnikov phát minh ra dù ba lô, trong khi Evgeniy Chertovsky phát minh ra quần áo điều áp. Pavel Yablochkov và Alexander Lodygin là những nhà tiên phong vĩ đại trong kỹ thuật điện và là những nhà phát minh của những đèn điện đầu tiên. Alexander Popov là một trong những người phát minh radio, trong khi Nikolai Basov và Alexander Prokhorov là hai người đồng phát minh ra tia laser và maser. Igor Tamm, Andrei Sakharov và Lev Artsimovich đã phát triển ý tưởng tokamak để kiểm soát phản ứng tổng hợp hạt nhân và tạo ra nguyên mẫu đầu tiên của nó, sau này dẫn tới dự án ITER. Nhiều nhà khoa học và phát minh nổi tiếng của Nga là người di cư, như Igor Sikorsky và Vladimir Zworykin, và nhiều nhà khoa học nước ngoài cũng đã làm việc ở Nga một thời gian dài như Leonard Euler và Alfred Nobel.


Trạm vũ trụ Mir do Liên Xô chế tạo

Các thành tựu lớn nhất của Nga thuộc lĩnh vực công nghệ vũ trụ và thám hiểm vũ trụ. Konstantin Tsiolkovsky là cha đẻ của lý thuyết hàng không vũ trụ[115]. Các tác phẩm của ông đã tạo cảm hứng cho những kỹ sư tên lửa hàng đầu của Liên xô như Sergey Korolyov, Valentin Glushko và nhiều người khác đóng góp vào sự thành công của Chương trình Vũ trụ Liên xô ở những giai đoạn đầu của cuộc Chạy đua vào không gian. năm 1957 vệ tinh nhân tạo đầu tiên bay quanh Trái Đất, Sputnik 1, được phóng lên; năm 1961 ngày 12 tháng 4 chuyến bay đầu tiên của loài người vào vũ trụ đã được Yuri Gagarin thực hiện thành công; và nhiều người Liên xô và Nga khác đã thực hiện kỷ lục thám hiểm vũ trụ. Từ năm 1999 đến 2009 Nga là nước phóng tên lửa nhiều nhất, 245 tên lửa có tải trọng lên quỹ đạo thành công so với 218 của Mỹ [116] và cũng là nước duy nhất cung cấp các dịch vụ du lịch vũ trụ.

Thủ tướng Dmitry Medvedev đã lên tiếng cảnh báo rằng Nga đang mất dần danh tiếng và tiền của do các dự án vũ trụ thất bại, sau khi không thể đưa 2 vệ tinh lên quỹ đạo‎ tháng 8/2012. Vụ phóng đã thất bại gây tổn thất lớn cho ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Nga. Một sự cố tương tự năm 2011 đã khiến Nga mất một vệ tinh thông tin trị giá 265 triệu USD. Nga cũng từng thất bại trong vụ phóng tàu thăm dò Sao Hỏa Phobos-Grunt.[117] Ông Medvedev cũng cho rằng: "Chẳng cường quốc không gian nào lại chứng kiến nhiều vụ phóng vệ tinh và phi thuyền hỏng như Nga". Vì thế ông quyết định chấn chỉnh lại ngành công nghiệp vũ trụ của Nga[118] cũng như tiếp tục các chương trình thám hiểm Sao Hỏa khác[119][120] và đã hoàn thành chương trình Mars-500 để thu thập thêm nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lên Sao Hỏa[121] Đây là dự án quốc tế của Nga, EU (Liên hiệp châu Âu) và Trung Quốc nhằm nghiên cứu khoa học - kỹ thuật và tâm sinh lý của một toán phi hành gia quốc tế 6 người trên một chuyến bay giả định dài 520 ngày lên sao Hỏa và đi bộ trên đó.[122]

Nga hiện đang là một trong số các nhà cung cấp động cơ tên lửa vũ trụ cho Hoa Kỳ. Vì lý do an ninh quốc gia, Hoa Kỳ yêu cầu phải có ít nhất hai hệ thống phóng. Không quân Hoa Kỳ và NASA hiện đang dựa chủ yếu vào ba loại tên lửa là Delta IV và Atlas V được điều hành bởi ULA và Falcon 9 của SpaceX. Bởi vì chi phí hoạt động Atlas V rẻ hơn nên Delta IV chỉ được dành riêng để sử dụng với các tải trọng và quỹ đạo mà Atlas V không thể xử lý được. Tuy nhiên, Atlas V hiện đang sử dụng động cơ được thiết kế và chế tạo từ Nga là RD-180.[123]

Dù đang cố phát triển động cơ riêng nhưng tập đoàn tên lửa vũ trụ của Nga Energomash cho rằng từ khâu thử nghiệm cho đến khi sản xuất thành công là khoảng thời gian rất dài, Hoa Kỳ sẽ cần trên 3 tỷ USD và khoảng thời gian 10 năm để sản xuất thay thế các động cơ Nga. Vì thế họ cho rằng Mỹ vẫn sẽ nhập động cơ tên lửa từ Nga cho dù có bị cấm[124] và mẫu nâng cấp của Antares sẽ được trang bị các động cơ này[125].



Các công nghệ khác, nơi người Nga có lịch sử phát triển, gồm công nghệ hạt nhân, sản xuất máy bay và công nghệ quốc phòng. Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên cùng các lò phản ứng hạt nhân đầu tiên cho tàu ngầm và tàu hoạt động trên mặt nước nằm dưới sự chỉ đạo của Igor Kurchatov. Một số nhà kỹ thuật hàng không nổi bật của Liên xô, có cảm hứng từ các tác phẩm lý thuyết của Nikolai Zhukovsky, đã giám sát việc chế tạo hàng chục model máy bay quân sự và dân sự và đã thành lập một số KBs (Phòng thiết kế) hiện là thành phần chủ yếu của Liên đoàn Hàng không Hợp nhất. Các máy bay nổi tiếng của Nga gồm máy bay chở khách siêu thanh đầu tiên Tupolev Tu-144 của Alexei Tupolev, loạt máy bay chiến đấu MiG của Artem Mikoyan và Mikhail Gurevich, và loạt máy bay Su của Pavel Sukhoi cùng những người kế tục ông. Những xe tăng chiến trường nổi tiếng của Nga gồm T-34, thiết kế xe tăng theo kênh Discovery là loại tốt nhất của Thế chiến II,[126] và các xe tăng khác thuộc loạt T. Súng AK-47 và AK-74 của Mikhail Kalashnikov là loại súng tấn công được sử dụng rộng rãi nhất tên thế giới - tới mức các khẩu súng thuộc kiểu AK đã được chế tạo nhiều hơn tất cả các loại súng tấn công khác cộng lại.[127][128]


Sukhoi PAK FA Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5.

Dù có những thành tựu công nghệ, từ thời trì trệ Brezhnev, Nga đã tụt hậu so với phương Tây trong một số ngành kỹ thuật, đặc biệt là trong tiết kiệm năng lượng và sản xuất hàng tiêu dùng. Cuộc khủng hoảng kinh tế hồi những năm 1990 đã khiến khoản hỗ trợ cho khoa học của nhà nước sụt giảm mạnh. Nhiều nhà khoa học và những người có trình độ của Nga đã đi sang châu Âu hay Hoa Kỳ; cuộc di cư này được gọi là một cuộc chảy máu chất xám. Những năm 2000, với làn sóng bùng nổ kinh tế, tình hình khoa học và công nghệ ở Nga đã được cải thiện, và chính phủ đã tung ra một chiến dịch với mục tiêu hiện đại hoá và cải tiến. Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã đưa ra 5 ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển công nghệ của đất nước: hiệu quả năng lượng, IT (gồm cả các sản phẩm thông thường và các sản phẩm kết hợp với công nghệ vũ trụ), năng lượng hạt nhân và dược.[129] Mặc dù là nhà xuất khẩu hàng công nghiệp nặng hàng đầu thế giới và đang đạt được những tiến bộ về phần mềm, nhưng các sản phẩm hàng tiêu dùng của Nga lại thiếu tính cạnh tranh trên trường quốc tế do đơn điệu về mẫu mã. Cải thiện về năng suất sẽ chủ yếu xuất phát từ công nghệ mới và đầu tư vốn hiệu quả, hai điều mà Nga đang thiếu.[130]

Một số thành tựu mới đã xuất hiện, với việc nước Nga đã hoàn thành GLONASS, một trong 4 hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu cùng với GPS của Mỹ, Hệ thống định vị Bắc Đẩu của Trung Quốc và Hệ thống định vị Galileo của châu Âu. Nga là nước duy nhất xây dựng nhà máy điện hạt nhân di động và hiện đang là nước đi đầu trong nghiên cứu nhà máy điện hạt nhân thế hệ thứ 5 (loại này có hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu hạt nhân vượt trội so với các nhà máy thế hệ trước, giúp việc sản xuất điện không tạo ra hoặc chỉ tạo ra rất ít chất thải phóng xạ). Nga cũng cho ra đời các thiết kế quân sự mới như máy bay tàng hình, xe tăng T-14 Armata...

Do sự phân công sản xuất từ thời Liên Xô nên sau khi Liên Xô tan rã, một số nhà máy công nghiệp chủ chốt lại thuộc về nước khác chứ không thuộc về Nga, do vậy Nga bị thiếu khả năng sản xuất trong một số lĩnh vực (ví dụ như các nhà máy đóng tàu lớn thời Liên Xô hiện nay thuộc về Ucraina, nên Nga phải mua động cơ tàu biển từ nước này). Trung Quốc cũng bắt đầu bán cho Nga các sản phẩm phục vụ mục đích quân sự. Tốc độ nhập khẩu tăng trưởng nhanh khi Trung Quốc bán cho Nga không chỉ các động cơ diesel, mà cả những thiết bị dành cho các tàu hỗ trợ quân sự. Đến năm 2017, doanh thu tiếp tục tăng và đó chỉ là sự khởi đầu vì trong tương lai Nga sẽ mua các thiết bị công nghệ từ Trung Quốc nhiều hơn nữa. Nga không thích ý tưởng mua sản phẩm của Trung Quốc mà muốn sản phẩm phương Tây, nhưng ngay khi phương Tây trừng phạt Nga, họ ngay lập tức phải quay sang mua hàng từ Trung Quốc.[131] Trung Quốc sở hữu một nền tảng công nghiệp đầy đủ và sự phát triển kinh tế mạnh mẽ trong những năm gần đây cho phép nước này trở thành nước dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực, lĩnh vực đóng tàu của Trung Quốc có quy mô thậm chí vượt qua cả Nga Tháng 11/2017. Nga đã mua 4 động cơ diesel CHD622V20STC dự kiến lắp đặt cho các tàu chiến thuộc đề án 21631 "Buyan-M". Đây không phải là bản hợp đồng đầu tiên được ký kết giữa hai phía.

Năm 2015, một nhà khoa học Nga là Vladimir Leonov tự tuyên bố đã thử nghiệm thành công một mẫu thử nghiệm động cơ lượng tử có hiệu suất mạnh gấp 5.000 lần động cơ tên lửa thông thường, sẽ tạo ra cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật trong thế kỷ XXI, tương tự cuộc cách mạng công nghệ thông tin trong thế kỷ XX. Động cơ lượng tử có thể đưa khí tài bay chuyển động với tốc độ 1000 km/giây, trong khi tốc độ tên lửa thông thường chỉ đạt tới mức tối đa 18 km/giây, nghĩa là tàu vũ trụ có thể bay tới sao Hỏa trong vòng 42 giờ, và tới Mặt trăng chỉ mất 3,6 giờ. Năng lượng cung cấp cho động cơ đến từ phản ứng nhiệt hạch lạnh (CNF): một kg nickel cho năng lượng tương đương một triệu kg xăng. Dùng động cơ này, máy bay sẽ chỉ cần nạp năng lượng một lần để bay trong vài năm. Thành tựu kỹ thuật này là kết quả vận dụng Lý thuyết siêu liên kết do các nhà khoa học Nga xây dựng nên.[132].


Du lịch[sửa | sửa mã nguồn]



Cung điện mùa đông tại St Petersburg, điểm du lịch nổi tiếng tại Nga

Ngành du lịch của Nga đã tăng trưởng nhanh chóng kể từ cuối thời kì Xô viết, đầu tiên là du lịch trong nước và sau đó là du lịch quốc tế, được thúc đẩy bởi di sản văn hóa phong phú và sự đa dạng tự nhiên tuyệt vời của đất nước. Các tuyến du lịch chính ở Nga bao gồm một cuộc hành trình vòng quanh Golden Ring của các thành phố cổ, du lịch trên các con sông lớn như sông Volga và những chuyến đi dài trên Tuyến đường sắt xuyên Siberia nổi tiếng. Trong năm 2013, đã có tổng cộng 28,4 triệu lượt khách du lịch đến thăm Nga; khiến Nga trở thành nước có số lượng khách du lịch tham quan đứng thứ 9 trên thế giới. Số lượng khách du lịch tới từ phương Tây có sự suy giảm kể từ năm 2014 do lệnh trừng phạt kinh tế của Phương Tây đối với Nga [133].

Các điểm đến được thăm nhiều nhất ở Nga là Moskva và Saint Petersburg, hai thành phố lớn nhất của đất nước. Được công nhận là Thành phố Nhân loại, 2 thành phố này có các bảo tàng nổi tiếng thế giới như Tretyakov và Bảo tàng Ermitazh, các nhà hát nổi tiếng như Nhà hát Bolshoi và Nhà hát Mariinsky, các nhà thờ trang trí công phu như Nhà thờ Thánh Basil, Nhà thờ Chúa Cứu thế, Nhà thờ chính tòa Thánh Isaac và Nhà thờ Chúa Cứu thế trên Máu đổ, các công trình đầy ấn tượng như điện Kremlin cùng với Pháo đài Thánh Phêrô và Phaolô, những quảng trường và những con phố xinh đẹp như Quảng trường Đỏ, Quảng trường Cung điện, Phố Tverskaya, Phố Nevsky Prospect và Phố Arbat. Các cung điện và công viên được tìm thấy trong các dinh thự hoàng gia cũ ở ngoại ô Moscow (Kolomenskoye, Tsaritsyno) và St Petersburg (Peterhof, Strelna, Oranienbaum, Gatchina, Pavlovsk và Tsarskoye Selo). Moskva trưng bày kiến trúc của thời kỳ Liên Xô tốt nhất, cùng với các tòa nhà chọc trời hiện đại, trong khi St Petersburg, có biệt danh là "Venice của phương Bắc", tự hào về các công trình kiến trúc cổ điển, nhiều con sông, kênh rạch và cầu.

Các bãi biển ấm áp của Biển Đen đã hình thành nên một số khu du lịch biển nổi tiếng, chẳng hạn như Sochi, thành phố chủ nhà Thế vận hội mùa đông 2014. Những ngọn núi ở Bắc Caucasus là nơi có các khu trượt tuyết nổi tiếng như Dombay. Điểm đến tự nhiên nổi tiếng nhất ở Nga là Hồ Baikal. Đây là hồ nước lâu đời nhất và sâu nhất trên thế giới, có làn nước trong như pha lê và được bao quanh bởi những ngọn núi. Các điểm du lịch tự nhiên phổ biến khác ở Nga bao gồm Kamchatka với những ngọn núi lửa và mạch nước phun, Karelia với các hồ và đá granit, dãy núi Altai phủ tuyết, và các thảo nguyên hoang dã của Tuva.






Liên bang Nga là một xã hội đa sắc tộc đa dạng, là nơi sinh sống của 160 nhóm sắc tộc và người bản xứ khác nhau.[136] Dù dân số Nga khá lớn, mật độ dân số thấp bởi diện tích vĩ đại của nước này.[137] Dân số tập trung đông nhất tại vùng châu Âu của Nga, gần dãy Ural, và ở phía tây nam Siberia. 73% dân số sống tại các khu vực đô thị.[138] Theo những ước tính sơ bộ, dân số sống thường xuyên tại Liên bang Nga ở thời điểm ngày 1 tháng 1 năm 2009 là 141,903,979 người. Năm 2008, dân số giảm 121,400 người, hay -0.085% (năm 2007 – 212,000 người, hay 0.15% và năm 2006 – 532,600 người, hay 0.37%). Trong năm 2008 nhập cư tiếp tục gia tăng ở mức độ 2.7% với 281,615 người tới Nga, trong số đó 95% tới từ các quốc gia thuộc CIS, đại đa số là người Nga hay người nói tiếng Nga.[135][139] Số lượng người Nga di cư đã giảm 16% xuống còn 39,508 người, trong số đó 66% tới các quốc gia thuộc CIS. Ước tính có 10 triệu người nhập cư bất hợp pháp từ các quốc gia Xô viết cũ ở Nga.[140] Khoảng 116 triệu người sắc tộc Nga sống ở Nga[141] và khoảng 20 triệu người nữa sống tại các nước cộng hoà cũ của Liên xô, chủ yếu tại Ukraina và Kazakhstan.[142]

Số người nói tiếng Nga đông nhất năm 1991 ở mức 148,689,000 triệu người, nhưng bắt đầu sụt giảm mạnh từ đầu những năm 90.[143] Sự sụt giảm đã chậm lại tới mức gần ồn định trong những năm gần đây vì tỷ lệ tử giảm, tỷ lệ sinh tăng và tăng nhập cư. Số người chết trong năm 2008 là 363,500 lớn hơn số sinh. Nó đã giảm từ 477,700 năm 2007, và 687,100 năm 2006.[135][139] Theo dữ liệu được Sở Thống kê Nhà nước Liên bang Nga xuất bản, tỷ lệ tử của Nga đã giảm 4% trong năm 2007, so với năm 2006, ở mức khoảng 2 triệu người chết, trong khi tỷ lệ sinh tăng 8.3% hàng năm lên ước tính 1.6 triệu ca sinh.[144] Các nguyên nhân chủ yếu khiến dân số Nga giảm sút là tỷ lệ tử cao và tỷ lệ sinh thấp. Tuy tỷ lệ sinh của Nga ngang bằng với các quốc gia châu Âu (12.1 sinh trên 1000 người năm 2008[135] so với mức trung bình của Liên minh châu Âu 9.90 trên 1000)[145] dân số của họ giảm với tỷ lệ lớn hơn bất kỳ một quốc gia châu Âu nào khác bởi tỷ lệ tử cao hơn nhiều (năm 2008, tỷ lệ tử của Nga là 14.7 trên 1000 người[135] so sánh với mức trung bình của Liên minh châu Âu 10.28 trên 1000).[146] Tuy nhiên, tháng 8 năm 2012 đã đánh dấu dân số Nga lần đầu tiên đạt mức tăng trưởng dương kể từ thập niên 90. Tổng thống Putin tuyên bố dân số Nga có thể đạt 146 triệu vào năm 2025, chủ yếu là nhờ kết quả của việc nhập cư [147]

Cơ quan thống kê chính thức của Nga là Rosstat công bố năm 2013 đã có 186.382 người Nga rời khỏi đất nước vào năm 2013, tăng đáng kể so với chỉ 122.751 người vào năm 2012. Con số này cũng cho thấy sự gia tăng đáng kể so với 36.774 người trong năm 2011 và 33.578 người vào năm 2010.[148] Một số chuyên gia nghi ngờ tính xác thực của số liệu Rosstat, Cáo buộc rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Sự gia tăng số người di cư có thể là do sự cô lập chính trị quốc tế đang gia tăng đối với nước Nga dưới thời Vladimir Putin. Trong số những người rời khỏi nước Nga gần đây có nhiều nhân vật nổi tiếng như Pavel Durov, người sáng lập mạng xã hội VKontakte của Nga, chuyên gia kinh tế Sergei Guriyev và nhà vô địch cờ vua thế giới Garry Kasparov.


Ngôn ngữ[sửa | sửa mã nguồn]




160 nhóm sắc tộc của Nga sử dụng khoảng 100 ngôn ngữ.[8] Theo cuộc điều tra dân số năm 2002, 142.6 triệu người nói tiếng Nga, tiếp sau là tiếng Tatar với 5.3 triệu và tiếng Ukraina với 1.8 triệu.[149] Tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức duy nhất của nhà nước, nhưng Hiến pháp trao cho các nước cộng hoà riêng biệt quyền đưa ngôn ngữ bản địa của mình trở thành ngôn ngữ đồng chính thức bên cạnh tiếng Nga.[150] Dù có sự phân tán mạnh, tiếng Nga là thuần nhất trên toàn bộ nước Nga. Tiếng Nga là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất nếu tính theo diện tích địa lý trên lục địa Âu Á và cũng là ngôn ngữ Slavơ được sử dụng nhiều nhất.[151] Tiếng Nga thuộc ngữ hệ Ấn Âu và là một trong những thành viên còn tồn tại của các ngôn ngữ Đông Slavơ; các ngôn ngữ khác gồm tiếng Belarus và tiếng Ukraina (và có lẽ cả tiếng Rusyn). Những ví dụ văn bản sử dụng chữ Đông Slavơ Cổ (Nga Cổ) được chứng minh có từ thế kỷ thứ X trở về sau.[152]

Theo người Nga thì hơn một phần tư tác phẩm khoa học của thế giới được xuất bản bằng tiếng Nga. Tiếng Nga cũng được sử dụng làm công cụ mã hoá và lưu trữ văn minh thế giới—60–70% của mọi thông tin trên thế giới được xuất bản bằng tiếng Anh và tiếng Nga.[153] Tiếng Nga cũng là một trong sáu ngôn ngữ chính thức của Liên hiệp quốc.


Giáo dục[sửa | sửa mã nguồn]



Nga có một hệ thống giáo dục miễn phí đảm bảo cho mọi công dân theo hiến pháp,[154] và có tỷ lệ biết chữ 99.7% vào năm 2015. Đầu vào cao học có tính cạnh tranh rất cao.[155] Như một kết quả của sự ưu tiên hàng đầu cho khoa học và kỹ thuật trong giáo dục, y tế, toán học, khoa học và khoa học vũ trụ Nga nói chung có mức độ phát triển cao.[156][157] Tuy nhiên nạn tảo hôn vẫn khá phổ biến ở các làng mạc nông thôn, và 45% trẻ em Nga không đi học[158]

Trước năm 1990 quá trình học tập ở Liên xô dài 10 năm. Nhưng vào cuối năm 1990, thời gian học 11 năm đã được chính thức áp dụng. Giáo dục tại các trường cấp hai của nhà nước là miễn phí; giáo dục đầu cấp ba (mức đại học) cũng là miễn phí với việc dành trước: một phần lớn sinh viên được tuyển được Nhà nước bao cấp hoàn toàn (nhiều định chế nhà nước bắt đầu mở các khoá thương mại từ những năm gần đây[159]). Năm 2004 chi tiêu quốc gia dành cho giáo dục chiếm 3,6% GDP, hay 13% tổng ngân sách nhà nước[160] trong khi ở Mỹ là 7,2% GDP và Nga thua cả Việt Nam (8.3% GDP)[161]. Chính phủ bố trí các khoản tiền để trả học phí theo một hạn mức được lập sẵn, hay số lượng sinh viên cho mỗi trường của nhà nước. Điều này được coi là cơ bản bởi nó cung cấp cơ hội tiếp cận cao học cho các sinh viên có khả năng, chứ không phải chỉ cho những người có tiền trả. Ngoài ra, các sinh viên được trả một khoản học bổng nhỏ và được cung cấp nơi ở miễn phí. Ngoài các cơ sở giáo dục cao học của nhà nước, nhiều cơ sở tư nhân cũng đã xuất hiện và cung cấp lực lượng nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới và kinh tế.[162]

Trong các trường đại học Nga có hơn 3 triệu giáo viên và nhân viên nghiên cứu, trong đó gần 45% giáo sư và phó giáo sư. Ngoái ra Nga hiện có gần 2000 trường đại học, học viện và các cơ cấu giáo dục khác. Hệ thống giáo dục còn bao gồm gần 800 cơ quan nghiên cứu, phòng thiết kế thí nghiệm và những xí nghiệp do nhà trường xây dựng. Tuy nhiên đã từ lâu nền giáo dục Nga đã bộc lộ những bất cập nhất định. Các cuộc điều tra dư luận xã hội cho thấy tiền đầu tư cho giáo dục tăng nhưng chất lượng giáo dục lại giảm. Ngoài ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Kỳ thi quốc gia nếu được tổ chức như hiện nay có thể chỉ để tuyển được những học sinh học vẹt mà không khuyến khích các em tư duy một cách khoa học.

Đại học Quốc gia Moskva hiện đang được đánh giá là trường đại học tốt nhất tại Nga.


Y tế[sửa | sửa mã nguồn]



Một phòng khám tại Nga năm 2008

Hiến pháp Nga đảm bảo chăm sóc y tế phổ thông, miễn phí cho mọi công dân.[163] Tuy nhiên, trên thực tế chăm sóc sức khoẻ miễn phí bị giới hạn một phần bởi chế độ propiska.[164][165]
Tuy Nga có số cơ sở y tế, bệnh viện và nhân viên y tế lớn hơn hầu hết các quốc gia khác khi tính theo đầu người,[166][167] từ khi Liên xô sụp đổ sức khoẻ dân chúng Nga đã suy giảm nghiêm trọng vì những thay đổi kinh tế, xã hội và phong cách sống.[168] Ở thời điểm năm 2014, tuổi thọ trung bình tại Nga là 65.29 năm cho nam và 76.49 năm cho nữ.[169] Tổng mức tuổi thọ trung bình của người Nga là 67.7 khi sinh, kém 10.8 năm so với con số tổng thể của cả Liên minh châu Âu.[170] Yếu tố lớn nhất dẫn tới mức tuổi thọ khá thấp của nam là tỷ lệ tử cao trong nam giới thuộc tầng lớp lao động vì những nguyên nhân có thể ngăn chặn (như, nhiễm độc rượu, stress, tai nạn giao thông, tội ác bạo lực). Tỷ lệ tử trong nam giới Nga đã tăng 60% từ năm 1991, cao hơn bốn lần của châu Âu.[171] Vì có sự khác biệt lớn giữa tuổi thọ của nam và nữ (nam giới Nga có tuổi thọ thấp hơn nhiều so với nữ do tình trạng lạm dụng rượu) và bởi hiệu ứng còn lại từ Thế chiến II, theo đó Nga có số thiệt hại nhân mạng cao hơn bất kỳ nước nào trên thế giới, sự mất cân bằng giới tính vẫn còn lại tới ngày này và có 85,9 nam trên 100 nữ.


Xe cấp cứu do hãng xe Nga GAZelle chế tạo

Bệnh tim chiếm 56.7% tổng số tử vong, với khoảng 30% liên quan tới những người đang ở độ tuổi lao động. Một cuộc nghiên cứu cho thấy rượu chịu trách nhiệm cho hơn một nửa số tử vong (52%) của người dân Nga trong độ tuổi từ 15 tới 54 từ năm 1990 tới năm 2001. Với cùng mô hình nhân khẩu này, mức tử của toàn bộ thế giới vì rượu là 4%.[172] Khoảng 16 triệu người Nga mắc các bệnh tim mạch, khiến Nga đứng hàng thứ hai thế giới, sau Ukraina, trong lĩnh vực này.[171] Các tỷ lệ tử bởi giết người, tự tử và ung thư cũng đặc biệt cao.[173] 52% nam và 15% nữ hút thuốc, hơn 260,000 nhân mạng mất đi hàng năm vì sử dụng thuốc lá.[174] HIV/AIDS, rõ ràng không tồn tại trong thời kỳ Xô viết, đã nhanh chóng lan tràn sau khi Liên xô sụp đổ, chủ yếu bởi sự gia tăng chóng mặt nạn tiêm chích ma tuý.[175] Theo các thống kê chính thức, hiện có hơn 364,000 người Nga có HIV, nhưng những chuyên gia độc lập coi con số thực lớn hơn rất nhiều.[176] Trong những nỗ lực ngày càng gia tăng để chiến đấu với căn bệnh này, chính phủ đã tăng chi tiêu vào các biện pháp kiểm soát HIV gấp 20 lần năm 2006, và ngân sách năm 2007 đã tăng gấp đôi ngân sách năm 2006.[177] Từ khi Liên xô tan rã, cũng có sự gia tăng nhanh chóng về số ca và số tử vong vì bệnh lao, và bệnh này lan đặc biệt nhanh trong cộng đồng tù nhân.[178]

Trong một nỗ lực nhằm cứu vãn cuộc khủng hoảng nhân khẩu tại Nga, chính phủ hiện đang áp dụng một số chương trình được thiết kế để gia tăng tỷ lệ sinh thu hút thêm nhiều người nhập cư. Chính phủ đã tăng gấp đôi khoản trợ cấp hàng tháng cho trẻ em và cấp khoản chi một lần 250,000 Rubles (khoảng US$10,000) cho phụ nữ sinh đứa con thứ hai từ năm 2007.[179] Năm 2007, Nga có tỷ lệ sinh lớn nhất từ khi Liên xô tan rã.[180] Phó thủ tướng thứ nhất cũng đã nói khoảng 20 tỷ Ruble (khoảng US$1 triệu) sẽ được đầu tư vào các trung tâm chăm sóc tiền sinh sản tại Nga trong năm 2008–2009. Nhập cư ngày càng được coi là cần thiết để duy trì mức độ dân số quốc gia.[181]

Do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính Nga đang diễn ra kể từ năm 2014, các khoản cắt giảm lớn về chi tiêu giành cho lĩnh vực y tế đã dẫn đến sự suy giảm chất lượng dịch vụ của hệ thống y tế trên toàn liên bang. Khoảng 40% các cơ sở y tế phải cắt giảm nhân sự, trong khi một số khác phải đóng cửa. Thời gian chờ điều trị đã tăng lên, và bệnh nhân bị buộc phải trả thêm tiền cho các dịch vụ mà trước đó hoàn toàn miễn phí [182][183].




Văn hoá dân gian[sửa | sửa mã nguồn]



Có hơn 160 nhóm dân tộc khác nhau cùng với người dân bản địa ở Nga tạo nên sự đa dạng văn hóa của quốc gia này. Bên cạnh nền văn hóa Slav Chính thống của Người Nga, còn có văn hóa Hồi giáo của người Tatar và Bashkir, nền văn hóa mang đậm ảnh hưởng Phật giáo của các bộ tộc du mục Buryats và Kalmyks, những người Shaman giáo ở cực Bắc và Siberia, hay nền văn hóa của người Finno-Ugric vùng Tây Bắc của Nga và vùng sông Volga.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, như đồ chơi Dymkovo, tranh gỗ khokhloma, gốm sứ gzhel và tranh sơn mài tiểu họa Palekh chiếm vị trí quan trọng trong nền văn hoá dân gian Nga. Trang phục truyền thống của Nga bao gồm kaftan, kosovorotka và ushanka cho nam giới, sarafan và kokoshnik cho nữ giới, cùng với các loại giày như lapti và valenki. Quần áo của dân Cossacks từ miền Nam nước Nga bao gồm burka và papaha.

Các dân tộc ở Nga có truyền thống đặc biệt về âm nhạc dân gian. Các nhạc cụ truyền thống điển hình của Nga là gusli, balalaika, zhaleika, và garmoshka. Âm nhạc dân gian có ảnh hưởng đáng kể đến các nhà soạn nhạc cổ điển Nga, và trong thời hiện đại, nó là nguồn cảm hứng cho một số ban nhạc dân ca nổi tiếng như Melnitsa.

Người Nga cũng có nhiều truyền thống đặc sắc khác, bao gồm tắm hơi kiểu Nga hay còn gọi là Banya. Nhiều truyện cổ tích và các tác phẩm sử thi của Nga đã được chuyển thể thành phim hoạt hình, hoặc các bộ phim nổi bật của những đạo diễn như Aleksandr Ptushko (với các bộ phim như Ilya Muromets, Sadko) và Aleksandr Rou (đạo diễn các phim Morozko, Vasilisa the Beautiful). Các nhà thơ Nga, bao gồm Pyotr Yershov và Leonid Filatov, đã chuyển thể các câu chuyện dân gian thành những tác phẩm thơ rất đáng chú ý, trong khi một số nhà thơ kiệt xuất khác như Alexander Pushkin thậm chí đã sáng tác ra cả những bài thơ cổ tích nguyên gốc rất phổ biến.


Ẩm thực[sửa | sửa mã nguồn]



Ẩm thực đóng vai trò rất quan trọng trong xã hội Nga. Những ảnh hưởng của phương Tây đang có tác động đáng kể đến thói quen ăn uống và khẩu vị của người dân, khi các hãng McDonald's phát triển tràn lan, và các quán cà phê theo phong cách Paris xuất hiện trên các lề phố Moskva hay St.Petersburg. Tuy nhiên, những món ăn truyền thống và các đặc sản của Nga như rượu vodka hay bánh mì "karavai" vẫn giữ nguyên tầm quan trọng của chúng trong các bữa tiệc hay lễ lớn của Nga.[184]

Vào mùa đông, nhiệt độ có thể xuống tới -20 °C tại thủ đô Moskva, vì thế, các thức ăn béo, giàu năng lượng như bánh mì, trứng, bơ hay sữa là rất cần thiết. Ngoài ra còn có những món đặc sản đặc biệt như schi (súp thịt bò và rau cải) hay borssh (súp củ cải đỏ với thịt lợn). Đôi khi người ta cũng ăn khoai tây nghiền, rán vào cuối bữa hoặc bliny, một loại bánh kếp ăn kèm với mật ong hoặc trứng cá.

Ngoài thức ăn, người Nga còn có nhiều đồ uống nổi tiếng trên thế giới như rượu vodka thường được làm từ lúa mạch đen hay lúa mỳ. Đôi khi nó còn được pha thêm tiêu, dâu hay chanh. Một đồ uống nổi tiếng khác là sbiten, được làm từ mật ong và thêm một chút hương liệu khác như dâu. Chè cũng là một thứ đồ uống nổi tiếng khác. Nó là một loại đồ uống truyền thống và đôi khi cũng được uống kèm sữa.


Kiến trúc[sửa | sửa mã nguồn]



Kiến trúc Nga thời trung cổ ảnh hưởng chủ yếu bởi kiến trúc Byzantine. Aristotle Fioravanti và kiến trúc sư người Ý khác đã mang xu hướng kiến trúc Phục Hưng vào Nga kể từ cuối thế kỷ 15. Những thiết kế khác của các kiến trúc sư Ý trong thời kì này như cung điện Facets ở Moscow hoặc việc tu sửa và xây dựng lại Điện Kremlin vào những năm 1485 – 1492 đã đem lại một sự pha trộn kiến trúc gây ấn tượng rất mạnh. Công trình xây dựng Nhà thờ thánh Basil năm 1555, cùng nhiều nhà thờ khác với kiểu kiến trúc nhiều mái vòm được tiếp tục thực hiện trong kế hoạch xây dựng của nước Nga ở thế kỷ thứ 16. Trong thế kỷ 17, "phong cách bốc lửa" của trang trí phát triển mạnh ở Moscow và Yaroslavl, dần dần mở đường cho phong cách baroque Naryshkin của những năm 1690. Sau những cải cách của Peter Đại đế, phong cách kiến trúc ở Nga dần chịu ảnh hương mạnh mẽ của Tây Âu.

Triều đại của Catherine Đại đế và cháu trai Alexander vào thế kỷ 18 đã chứng kiến sự hưng thịnh của kiến trúc Tân cổ điển, đáng chú ý nhất ở thủ đô Saint Petersburg với đỉnh cao là công trình Cung điện mùa đông. Vào Thế kỷ thứ 19, lối thiết kế mang phong cách Hy Lạp phục hưng được phát triển và phong cách thiết kế kinh điển của Nga cũng được hồi sinh vào giữa thế kỷ này.

Hầu hết các công trình kiến trúc từ năm 1850 – 1917 không có nét gì nổi bật, thường là thực hiện kém chất lượng và mang sự hỗn độn của các phong cách thiết kế. Vào thế kỷ 20, những kiến trúc sư trẻ đã theo phong trào thiết kế có xu hướng tạo dựng và phong cách thiết kế kiến trúc hiện đại mới.


Tôn giáo[sửa | sửa mã nguồn]






































Tôn giáo tại Nga (2012)[185][186]





Chính thống giáo Nga

  

41.1%
Hồi giáo

  

6.6%
Phật giáo

  

0.5%
Vô thần

  

13%
Khác

  

6.1%


Cơ Đốc giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo và Phật giáo là các tôn giáo truyền thống của Nga, được cho là một phần của "di sản lịch sử" Nga trong một điều luật được thông qua năm 1997.[187] Những con số ước tính về các tín đồ rất khác biệt tuỳ theo các nguồn, và một số báo cáo đưa ra con số người vô thần ở Nga là 16–48% dân số.[188] Chính thống giáo Nga là tôn giáo chiếm đa số ở Nga.[189] 95% xứ đạo có đăng ký thuộc Giáo hội Chính thống Nga trong khi có một số Giáo hội Chính thống nhỏ hơn. Tuy nhiên, đa số tín đồ Chính thống không thường xuyên tới nhà thờ. Tuy thế, Nhà thờ được cả các tín đồ và người vô thần kính trọng và coi nó là một biểu tượng của di sản và văn hoá Nga.[190] Các phái Cơ đốc giáo nhỏ hơn như Công giáo Rôma, và nhiều phái Tin Lành có tồn tại.

Tổ tiên của nhiều người Nga hiện nay đã chấp nhận Cơ Đốc giáo Chính thống ở thế kỷ thứ X.[190] Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2007 do Bộ ngoại giao Mỹ xuất bản đã nói rằng có xấp xỉ 100 triệu công dân coi họ là tín đồ Giáo hội Chính thống Nga.[191] Theo một cuộc điều tra của Trung tâm Nghiên cứu Ý kiến Công chúng Nga, 63% người tham gia coi họ là tín đồ Chính thống Nga, 6% tự coi mình là tín đồ Hồi giáo và chưa tới 1% coi mình là tín đồ hoặc của Phật giáo, Công giáo, Tin Lành hay Do Thái giáo. 12% khác nói họ tin vào Chúa, nhưng không thực hiện bất kỳ tôn giáo nào và 16% nói họ là người vô thần.[192]


Đền Mọi Tôn giáo trong thành phố Kazan đa văn hoá.

Ước tính Nga là nơi sinh sống của khoảng 15–20 triệu tín đồ Hồi giáo.[193][194] Tuy nhiên học giả Hồi giáo và nhà hoạt động nhân quyền Roman Silantyev đã tuyên bố rằng chỉ có 7 tới 9 triệu người theo Hồi giáo ở Nga.[195] Nga cũng có ước tính 3 tới 4 triệu người nhập cư Hồi giáo từ các nước cộng hoà hậu Liên xô.[196] Đa số tín đồ Hồi giáo sống ở vùng Volga-Ural, cũng như Bắc Caucasus, Moskva,[197] Saint Petersburg và Tây Siberia.[198] Phật giáo là truyền thống của ba vùng thuộc Liên bang Nga: Buryatia, Tuva, và Kalmykia.[199] Một số người sống ở Siberi và vùng Viễn Đông, Yakutia, Chukotka.. thực hiện các nghi thức Shaman, thuyết phiếm thần cùng với các tôn giáo chính. Việc tham gia tôn giáo chủ yếu theo sắc tộc. Đại đa số người Slav theo Cơ Đốc giáo Chính thống. Những người nói tiếng Turk chủ yếu là tín đồ Hồi giáo, dù một số nhóm Turk tại Nga không theo.[200]


Âm nhạc[sửa | sửa mã nguồn]


Nhà soạn nhạc lừng danh Tchaikovsky

Nhạc cổ điển phát triển mạnh ở Nga vào thế kỷ 19. Nhà soạn nhạc cổ điển vĩ đại nhất của Nga là Pyotr Ilyich Tchaikovsky. Sang đến thế kỷ 20, một số nhà soạn nhạc nổi tiếng của Nga là Alexander Scriabin, Igor Stravinsky, Sergei Prokofiev, Dmitri Shostakovich và Alfred Schnittke.

Nhạc viện Nga đã cho ra nhiều thế hệ nghệ sĩ độc tấu nổi tiếng. Trong số những người nổi tiếng nhất là các nghệ sĩ violin Jascha Heifetz, David Oistrakh, Leonid Kogan, Gidon Kremer và Maxim Vengerov; các nghệ sĩ cello Mstislav Rostropovich, Natalia Gutman; các nghệ sĩ dương cầm Vladimir Horowitz, Sviatoslav Richter, Emil Gilels, Vladimir Sofronitsky và Evgeny Kissin; các ca sĩ Fyodor Shalyapin, Mark Reizen, Elena Obraztsova, Tamara Sinyavskaya, Nina Dorliak, Galina Vishnevskaya, Anna Netrebko và Dmitry Hvorostovsky.;

Nửa sau thế kỷ 19, trung tâm thế giới Ballet chuyển từ Pháp sang Nga. Một trong những người tạo ra kỷ nguyên vàng cho Trường Ballet Hoàng gia Nga và đóng vai trò lớn trong việc biến St. Petersburg trở thành kinh đô của ballet thế giới là Marius Petipa. Đoàn Ballet Bolshoi tại Moskva và Mariinsky Ballet tại St Petersburg là nơi đào tạo ra những diễn viên balê vĩ đại nhất của mọi thời đại, trong đó nổi bật lên là hai cái tên Anna Pavlova và Vaslav Nijinsky, ngoài ra thời Xô viết còn có một số nghệ sỹ ballet nổi tiếng như Galina Ulanova, Maya Plisetskaya, Rudolf Nureyev, và Mikhail Baryshnikov.


Văn học[sửa | sửa mã nguồn]



Thế kỷ 18 được coi là thời kỳ Khai sáng của văn học Nga, sự phát triển của văn học Nga đã được đặt nền móng trong giai đoạn này bởi các tác phẩm của Mikhail Lomonosov và Denis Fonvizin. Vào đầu thế kỷ 19 là thời điểm xuất hiện một số nhà văn, nhà thơ được coi là vĩ đại nhất trong lịch sử Nga. Giai đoạn này còn được gọi là thời hoàng kim của Văn học Nga, mở đầu với Alexander Pushkin, người được coi là đã sáng lập ra ngôn ngữ văn học Nga hiện đại và thường được ca tụng là "Shakespeare của nước Nga" [201]. Tiếp theo là thơ của Mikhail Lermontov và Nikolay Nekrasov, kịch của Alexander Ostrovsky và Anton Chekhov, và văn xuôi của Nikolai Gogol và Ivan Turgenev. Leo Tolstoy và Fyodor Dostoyevsky đã được các nhà phê bình văn học ca ngợi là những tiểu thuyết gia vĩ đại nhất mọi thời đại[202][203].

Sau cuộc Cách mạng Nga năm 1917, nhiều nhà văn và triết gia nổi tiếng đã rời bỏ đất nước, bao gồm Bunin, Vladimir Nabokov và Nikolay Berdyayev, trong khi một thế hệ các tác giả tài năng mới tham gia cùng nhau trong nỗ lực tạo ra một nền văn hóa riêng biệt. Trong những năm 1930 kiểm duyệt văn học đã được thắt chặt phù hợp với chính sách chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Vào cuối những năm 1950, các hạn chế về văn học đã được nới lỏng, và vào những năm 1970 và 1980, các nhà văn dần thoát khỏi việc bị trói buộc bởi nhà nước trong sáng tác văn học. Các tác giả hàng đầu của thời đại Xô viết bao gồm các tiểu thuyết gia Yevgeny Zamyatin (di cư), Mikhail Bulgakov (bị kiểm duyệt) và Mikhail Sholokhov, cùng với các nhà thơ Vladimir Mayakovsky, Yevgeny Yevtushenko và Andrey Voznesensky. Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn là nhà văn nổi tiếng lên án chế độ khủng bố Stalin qua tác phẩm "GULAG quần đảo địa ngục" từng đoạt giải thưởng Nobel Văn học.


Điện ảnh và truyền thông[sửa | sửa mã nguồn]


Các phim chiếu rạp của Nga và sau đó là Liên Xô bùng nổ mạnh mẽ giai đoạn sau năm 1917, kết quả là đã cho ra đời một số bộ phim nổi tiếng thế giới như The Battleship Potemkin của Sergei Eisenstein. Eisenstein là một sinh viên của nhà làm phim và nhà lý thuyết Lev Kuleshov, người đã phát triển lý thuyết về dựng phim và biên tập phim tại trường điện ảnh đầu tiên trên thế giới, Viện điện ảnh All-Union. Dưới thời Stalin, chính sách chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa của nhà nước đã phần nào hạn chế sự sáng tạo của các nhà làm phim; tuy nhiên, nhiều bộ phim của Liên Xô theo phong cách này đã thành công về mặt nghệ thuật, bao gồm Chapaev, Khi đàn sếu bay quaBài ca người lính.

Những năm 1960 và 1970 chứng kiến nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau trong điện ảnh Liên Xô. Các bộ phim hài của Eldar Ryazanov và Leonid Gaidai trong thời gian đó rất phổ biến. Năm 1961–68, Sergey Bondarchuk đạo diễn bộ phim Chiến tranh và Hòa bình dựa trên cuốn tiểu thuyết của Leo Tolstoy và đã đọat giải Oscar năm 1968, đây cũng là bộ phim đắt nhất từng được sản xuất tại Liên Xô [204].

Hoạt hình của Nga có niên đại từ thời Đế quốc Nga. Trong thời kỳ Xô viết, xưởng phim Soyuzmultfilm là nhà sản xuất phim hoạt hình lớn nhất. Những đạo diễn nổi tiếng của Nga trong thể loại phim họa hình là Ivan Ivanov-Vano, Fyodor Khitruk và Aleksandr Tatarsky. Nhiều nhân vật hoạt hình như Cheburashka (được coi là gấu Pooh của Nga), Sói và Thỏ trong Hãy đợi đấy! (được coi là Tom và Jerry của Nga), là những hình tượng mang tính biểu tượng ở Nga và nhiều nước xung quanh.

Cuối những năm 1980 và 1990 là một thời kỳ khủng hoảng của điện ảnh và hoạt hình Nga. Mặc dù các nhà làm phim Nga đã được tự do thể hiện tính sáng tạo của bản thân, các khoản trợ cấp của nhà nước đã giảm đáng kể, dẫn đến ít phim được sản xuất hơn. Những năm đầu của thế kỷ 21 đã chứng kiến lượng người xem tăng lên và sự thịnh vượng trở lại của ngành công nghiệp điện ảnh khi nền kinh tế đã có sự hồi phục.

Trong khi có rất ít đài phát thanh hoặc các kênh truyền hình trong thời Liên Xô, từ hai thập kỷ qua, nhiều đài phát thanh và kênh truyền hình do cả nhà nước và tư nhân sở hữu đã xuất hiện. Kiểm duyệt và tự do truyền thông ở Nga luôn là chủ đề chính của truyền thông Nga.


Thể thao[sửa | sửa mã nguồn]


Khai mạc thế vận hội mùa đông 2014, kỳ thế vận hội mà Nga là chủ nhà


Các vận động viên thể thao của Liên Xô và sau đó là của Nga luôn nằm trong top bốn nước đạt nhiều huy chương vàng nhất tại tất cả các kì Thế vận hội mùa hè mà họ từng tham dự. Nga (tính cả Liên Xô) đã 2 lần đăng cai Thế vận hội. Thế vận hội mùa hè 1980 đã được tổ chức tại Moskva trong khi Thế vận hội mùa đông 2014 được tổ chức tại Sochi.

Doping là một vấn đề rất lớn và hết sức tiêu cực của thể thao Nga. Tổng cộng đã có 51 huy chương vàng của các vận động viên Nga bị IOC tước đoạt do sử dụng doping, nhiều nhất trong số tất cả các nước trên thế giới. Từ năm 2011 đến năm 2015, hơn một nghìn vận động viên của Nga trong nhiều môn thể thao khác nhau, bao gồm cả các môn mùa hè, mùa đông và các môn thể thao Paralympic (giành cho người khuyết tật), được hưởng lợi từ sự che đậy của nhà nước đối với hành vi sử dụng doping [205][206][207][208][209].

Khúc côn cầu trên băng là môn thể thao thế mạnh của Nga. Mặc dù bộ môn này chỉ được giới thiệu trong thời kỳ Xô viết, đội tuyển khúc côn cầu trên băng của Liên Xô đã giành chiến thắng tại hầu hết các kì Thế vận hội và các giải vô địch thế giới mà họ tham dự.

Bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất ở nước Nga ngày nay [210][211][212][213]. Đội tuyển bóng đá quốc gia Liên Xô đã trở thành nhà vô địch châu Âu đầu tiên khi lên ngôi tại Euro 1960. Đội tuyển bóng đá quốc gia Liên Xô cũng đã lọt vào chung kết Euro 1988 nhưng đã để thua đội tuyển Hà Lan với tỉ số 0-2. Xuất hiện trong bốn kỳ World Cup liên tiếp từ năm 1958 đến 1970, Lev Yashin của đội tuyển bóng đá Liên Xô được coi là một trong những thủ môn xuất sắc nhất trong lịch sử bóng đá, ông cũng nằm trong Đội hình xuất sắc nhất lịch sử World Cup của FIFA [214]. Liên Xô giành HCV môn bóng đá nam tại các kỳ thế vận hội năm 1956 và 1988. Các câu lạc bộ bóng đá Nga CSKA Moscow và Zenit St Petersburg đã giành cúp UEFA vào năm 2005 và 2008. Một số CLB bóng đá nổi tiếng khác của Nga gồm có Spartak Moscow, Lokomotiv Moscow, Dynamo Moscow và Rubin Kazan. Đội tuyển bóng đá quốc gia Nga đã lọt vào bán kết Euro 2008 trước khi thua nhà vô địch Tây Ban Nha với tỉ số 0-3.

Kể từ khi kết thúc thời Xô Viết, quần vợt đã trở nên phổ biến tại Nga và Nga đã sản sinh một số tay vợt nổi tiếng, chẳng hạn Maria Sharapova. Trong võ thuật, Nga là nước khai sinh ra môn thể thao Sambo cũng như là quê hương của nhiều võ sĩ nổi tiếng như Fedor Emelianenko. Cờ vua là một trò tiêu khiển phổ biến rộng rãi ở Nga; một số kỳ thủ Nga nổi tiếng là Mikhail Botvinnik, Garry Kasparov.

Nga là nước chủ nhà của World Cup 2018. Đây là kỳ World Cup bóng đá đầu tiên được tổ chức ở một quốc gia Đông Âu. Đội tuyển bóng đá quốc gia Nga đã lọt được vào vòng tứ kết ở giải đấu này.



  • Ngày năm mới, 31 tháng 2

  • Giáng sinh chính thống, ngày 7 tháng 1

  • Lễ hội Maslenitsa, vào tháng 2 hoặc tháng 3, vào tuần trước của Mùa Chay (theo Lịch Julian)

  • Ngày quốc tế phụ nữ, 8 tháng 3

  • Ngày quốc tế lao động, 1 tháng 5

  • Phục sinh chính thống, vào mùa xuân sau Mùa Chay (theo Lịch Julian)

  • Ngày Chiến thắng, ngày 9 tháng 5 (ngày kỷ niệm chiến thắng trước Đức Quốc xã trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Một cuộc diễu hành quân sự khổng lồ được tổ chức vào ngày này hàng năm trên Quảng trường Đỏ tại Moscow).

  • Ngày của bảng chữ cái và văn hóa Slavic, ngày 24 tháng 5

  • Ngày nước Nga, ngày 12 tháng 6

  • Ngày Ivan Kupala, ngày 7 tháng 7

  • Ngày Hải quân, chủ nhật cuối cùng của tháng Bảy (lễ kỷ niệm lớn bao gồm diễu hành hải quân ở St Petersburg và Vladivostok)

  • Ngày đoàn kết toàn dân, ngày 4 tháng 11

  • Ngày người bảo vệ Tổ quốc, ngày 23 tháng 2


Nước Nga là một trong những nước có làn sóng tội phạm cao trên thế giới. Tỷ lệ giết người ở Nga cao gấp bốn lần so với ở Mỹ.[215] Vào năm 2001, 33.500 người đã bị giết hại. Tổng cộng, vào năm 2011, có hơn 3 triệu tội phạm được báo cáo. Từ trộm cắp thông thường đến tham nhũng, cướp và buôn lậu đã khiến làn sóng tội phạm ngày càng tăng. Mặc dù chính phủ Nga đã cam kết mạnh tay với tội phạm, tuy nhiên hành động này vẫn chưa đem lại hiệu quả gì lớn.

Hàng giả cũng là một vấn đề khác gây đau đầu cho các nhà chức trách. Chính phủ Nga ước tính đến 90% hàng hóa bán lưu thông đều không rõ nguồn gốc rõ ràng. Các thiết bị điện tử chủ yếu được nhập khẩu bất hợp pháp từ Đông Nam Á còn đồ chơi nhập từ Trung Quốc. Còn thực phẩm, thuốc, quần áo và băng đĩa thường có nguồn gốc nội địa. Thuốc giả và rượu giả khiến người tiêu dùng bị đe dọa nghiêm trọng nhất. Hàng năm, hàng ngàn người Nga bị thiệt mạng do uống phải các chất hóa học chết người làm giả thành rượu vodka.[216]

Tình trạng cách biệt giàu - nghèo đang tăng lên. Nhiều người Nga sống trong những căn nhà xây từ thời Xô Viết nay đã xuống cấp. Một điều tra vào năm ngoái của Hiệp hội các kỹ sư Nga cho biết: 20% người ở thành phố không có nước nóng, 12% không có hệ thống sưởi và phải dùng lò sưởi thủ công. Ở các làng quê, tỷ lệ này còn cao hơn. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), hiện nay có hơn 15 triệu người Nga (khoảng 11% dân số) sống dưới mức 150 USD/người/tháng.[217]

Tham nhũng ở Nga cũng được coi là một vấn đề nghiêm trọng [218] tác động đến mọi khía cạnh của cuộc sống, bao gồm cả hành chính công,[219][220] thực thi pháp luật [221], chăm sóc sức khỏe [222] và giáo dục [223]. Theo bảng xếp hạng năm 2016 về Chỉ số Nhận thức Tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Nga xếp thứ 131 trên tổng số 176 quốc gia với số điểm là 29 [224].


Khủng bố[sửa | sửa mã nguồn]


Tính từ năm 2008 đến năm 2016, đã có 1.088 người chết trong các vụ khủng bố tại Nga [225][226], gấp 5 lần so với số lượng người chết trong các vụ khủng bố tại Mỹ cùng khoảng thời gian (235 người chết) [227][228].

Một số vụ khủng bố đẫm máu tại Nga kể từ năm 1999 [229]


  • Tháng 9-1999, Các vụ đánh bom ở những tòa chung cư giết gần 300 người tại Matxcơva, Buynaksk và Volgodonsk trong khoảng thời gian từ ngày 4-9 tới 16-9. Các phần tử cực đoan Chechnya được cho đứng sau những vụ này.

  • Tháng 10-2002, Nhà hát Dubrovka tại Matxcơva bị 40 tới 50 tay súng bao vây. Quân đội Nga vào cuộc, kết quả ít nhất 170 người chết bao gồm 130 trong số gần 1.000 con tin.

  • Tháng 2-2004, Một vụ đánh bom liều chết ở tàu điện ngầm tại Matxcơva làm 41 người chết và hơn 100 người bị thương.

  • Tháng 5-2004, vụ tấn công liều chết ở sân vận động Grozny, Cộng hòa Chechnya thuộc Nga, đã giết 24 người trong đó có Akhmad Kadyrov, cha của lãnh đạo Chechnya.

  • Tháng 8-2004, thêm một vụ khác tại sân bay Domodedovo. Cả 90 hành khách trên chuyến bay bị tấn công đã thiệt mạng. Cơ quan chức năng sau đó phát hiện hai người phụ nữ thực hiện vụ tấn công liều chết ấy đã hối lộ để lên máy bay chỉ với 1.000 rúp, tương đương 34 USD vào lúc đó. Và vài ngày sau, một vụ tấn công khác ở tàu điện ngầm tại Matxcơva khiến 10 người thiệt mạng.

  • Tháng 9-2004 được xem là một trong những cuộc tấn công gây sốc nhất lịch sử an ninh Nga đương đại, khi các tay súng đột nhập vào trường học ở Beslan, thuộc tỉnh Bắc Ossetia. NHững tay súng bắt học sinh, giáo viên và phụ huynh làm con tin. Sau nhiều ngày bế tắc, quân đội Nga tràn vào trường học dẫn tới cái chết của hơn 300 người, trong đó có nhiều trẻ em.

  • Tháng 10-2005, các tay súng Hồi giáo thực hiện cuộc tấn công tại thành phố Nalchik, lãnh thổ Kabardino-Balkaria thuộc Nga, gần Chechnya. Cuộc giao tranh tại tòa nhà của lực lượng an ninh Nga làm hơn 100 người chết, bao gồm thường dân.

  • Tháng 11-2009, tuyến tàu cao tốc từ Matxcơva đi St Petersburg bị đánh bom khiến 28 người thiệt mạng và 130 người bị thương. Cảnh sát bắt giam 10 người, trong đó có chín người thuộc một gia đình ở khu vực Cộng hòa Ingushetia tự trị, ở Bắc Caucasus.

  • Tháng 3-2010, hai vụ đánh bom liều chết ở tàu điện ngầm tại thủ đô Matxcơva làm 40 người thiệt mạng. Quan chức Nga mô tả đó là vụ tấn công khủng bố chết chóc và tinh vi nhất ở Nga trong vòng 6 năm. Đặc biệt, một trong các địa điểm bị nhắm tới nằm sát tòa nhà của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB).

  • Tháng 1-2011, vụ đánh bom liều chết ở sân bay Domodedovo (Matxcơva) giết chết 37 người và làm 172 người bị thương. Doku Umarov, lãnh đạo nhóm Hồi giáo cực đoan Chechnya có tên Phong trào Caucasus Emirate nhận trách nhiệm.

  • Tháng 12-2013. hai vụ đánh bom trong một ngày nhằm vào hệ thống giao thông công cộng ở thành phố Volgograd làm tổng cộng 34 người thiệt mạng. Vụ việc này xảy ra chỉ hai tháng sau một cuộc đánh bom liều chết khác cũng ở Volgograd trước thềm Thế vận hội Mùa đông năm 2014.


Nga và Belarus đang đàm phán để thống nhất thành một nhà nước liên bang Nga-Belarus, việc đàm phán đã được bắt đầu vào năm 1997 và vẫn tiếp tục cho đến bây giờ.[230]





  • The New Columbia Encyclopedia, Col.Univ.Press, 1975




  1. ^
    Matt Rosenberg. “Biggest Countries The Twenty Largest Countries in Area in the World”. About.com. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2016. 


  2. ^ Оценка численности населения на 1 января 2017 года и в среднем за 2016 год [Population estimates as of ngày 1 tháng 1 năm 2017 and the average for 2016] (XLS). Федеральная служба государственной статистики (Federal State Statistics Service) (bằng tiếng Nga language). Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2016. 

  3. ^ a ă â b “Report for Selected Countries and Subjects: Russia”. IMF. Tháng 6 năm 2017. 

  4. ^ “Human Development Report 2016 – "Human Development for everyone"(PDF). United Nations Development Programme. 2016. Truy cập ngày 21 tháng 3 năm 2017. 

  5. ^ “Income Gini coefficient”. Human Development Reports (Source: World Bank 2013). UNDP. Truy cập ngày 26 tháng 8 năm 2015. 

  6. ^ “The Constitution of the Russian Federation”. (Article 1). Truy cập ngày 25 tháng 6 năm 2009. 

  7. ^ “The CIA World Fact Book, "Russia". Truy cập ngày 25 tháng 6 năm 2009. 

  8. ^ a ă â “Russia”. Encyclopedia Britannica. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2008. 

  9. ^ “The Russian federation: general characteristics”. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 10 năm 2003. Truy cập ngày 5 tháng 4 năm 2008. 

  10. ^ Microsoft Encarta Online Encyclopedia 2007. “"Russia". Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2007. [liên kết hỏng]

  11. ^ First Post; Beware Russia Energy Superpower, ngày 12 tháng 10 năm 2006

  12. ^ CNN, "Russia; A superpower rises again" by Simon Hooper. Tháng 12, 2006

  13. ^ CNN; "Eye on Russia: Russia's resurgence" by Matthew Chance
    June 2007 [1]


  14. ^ Library of Congress. “Topography and drainage”. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2007. 

  15. ^ “Contemporary Soviet Military Affairs”. Google Books. Truy cập 24 tháng 9 năm 2015. 

  16. ^ Weinberg, G.L. (1995). A World at Arms: A Global History of World War II. Cambridge University Press. tr. 264. ISBN 0521558794. 

  17. ^ Osbourne, Andrew, World leaders gather as Russia remembers. The Age

  18. ^ Rozhnov, Konstantin, Who won World War II?. BBC. Russian historian Valentin Falin

  19. ^ a ă “Country Profile: Russia”. Foreign & Commonwealth Office of the United Kingdom. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 6 năm 2012. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  20. ^ Report for Selected Countries and Subjects

  21. ^ World Bank. “World Development Indicators”. World Bank. Truy cập ngày 6 tháng 8 năm 2011. 

  22. ^ “Status of Nuclear Powers and Their Nuclear Capabilities”. Federation of American Scientists. Tháng 3 năm 2008. Truy cập ngày 19 tháng 3 năm 2014. 

  23. ^ “Online Etymology Dictionary”. Etymonline.com. Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2011. 

  24. ^ “Rus – definition of Rus by the Free Online Dictionary, Thesaurus and Encyclopedia”. Thefreedictionary.com. Truy cập ngày 2 tháng 11 năm 2011. 

  25. ^ Milner-Gulland, R. R. (1997). The Russians: The People of Europe. Blackwell Publishing. tr. 1–4. ISBN 0-631-21849-1. 

  26. ^ 《俄罗斯国家名称变迁考》,郭文深著,江淮论坛2010年3期‎

  27. ^ “Kievan Rus' and Mongol Periods”. Đại học bang Sam Houston. Truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2007. 

  28. ^ Kievan Rus' and Mongol Periods, trích đoạn từ Glenn E. Curtis (chủ biên), Russia: A Country Study, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, 1998. ISBN 0-16-061212-8.

  29. ^ Christopher Duffy, Borodino and the War of 1812, trang 36

  30. ^ Christopher Duffy, Borodino and the War of 1812, trang 46

  31. ^ Christopher Duffy, The military experience in the age of reason, trang 41

  32. ^ Xem Jacob Walkin, The Rise of Democracy in Pre-Revolutionary Russia: Political and Social Institutions under the Last Three Czars, Praeger, 1962.

  33. ^ CIAO - Atlas - Russia

  34. ^ Revolutions and Civil War, trích đoạn từ Glenn E. Curtis (chủ biên), Russia: A Country Study, Bộ quốc phòng Hoa Kỳ, 1998. ISBN 0-16-061212-8.

  35. ^ Xem Donald A. Filzer, Soviet Workers and the Collapse of Perestroika: The Soviet Labour Process and Gorbachev's Reforms, 1985–1991, Nhà in Đại học Cambridge, 1994. ISBN 0-521-45292-9.

  36. ^ Xem, chẳng hạn, Country Profile for the Russian Federation, của Bộ Ngoại giao Anh. Tra cứu ngày 21-7-2007.

  37. ^ Famine in Russia: the hidden horrors of 1921, International Committee of the Red Cross

  38. ^ “World War II”. Encyclopædia Britannica. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2008. 

  39. ^ “The Allies' first decisive successes > Stalingrad and the German retreat, summer 1942–February 1943”. Encyclopedia Britannica. Truy cập ngày 12 tháng 3 năm 2008. 

  40. ^ Erlikman, V. (2004). Poteri narodonaseleniia v XX veke: spravochnik. Moskva: Russkai︠a︡ panorama. ISBN 5931651071. Note: Estimates for Soviet World War II casualties vary between sources. 

  41. ^ “Reconstruction and Cold War”. Library of Congress. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  42. ^ “Great Escapes from the Gulag”. TIME. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2008. 

  43. ^ “1990 CIA World Factbook”. Central Intelligence Agency. Truy cập ngày 9 tháng 3 năm 2008. 

  44. ^ “Russia Unforeseen Results of Reform”. The Library of Congress Country Studies; CIA World Factbook. Truy cập ngày 10 tháng 3 năm 2008. 

  45. ^ “The Constitution of the Russian Federation”. (Article 80, §1). Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  46. ^ “The Constitution of the Russian Federation”. (Article 110, §1). Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  47. ^ “The Constitution of the Russian Federation”. (Article 94). Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  48. ^ “The Constitution of the Russian Federation”. (Article 19, §1). Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  49. ^ “The Constitution of the Russian Federation”. (Article 120, §1). Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  50. ^ “The Constitution of the Russian Federation”. (Article 123, §1). Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  51. ^ “The Constitution of the Russian Federation”. (Article 81, §3). Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  52. ^ “The Constitution of the Russian Federation”. (Article 95, §3). Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  53. ^
    Based on actual count of countries listed
    “Diplomatic and consular missions of Russia”. Ministry of Foreign Affairs of Russia. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2009. . Only those listed explicitly as "Embassy of Russia" are included in the embassy count.


  54. ^ Kosachev. K. “Russian Foreign Policy Vertical”. Russia In Global Affairs. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  55. ^ (tiếng Nga) “Interview of official Ambassador of Russian Foreign Ministry on relations with the EU”. RIA Novosti. Truy cập ngày 30 tháng 6 năm 2008. 

  56. ^ “NATO-Russia relations”. NATO. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 4 năm 2007. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  57. ^ Nga – Trung Quốc: Đối tác thiếu bền vững

  58. ^ Nga điều chỉnh chiến lược đối ngoại theo hướng nào? - Nga dieu chinh chien luoc doi ngoai theo huong nao? - VOV.VN

  59. ^ Rosefielde, Steven (2005). Russia in the 21st Century The Prodigal Superpower. Cambridge University Press. ISBN 978-0-521-83678-4. 

  60. ^ Atwell, Kyle (25 tháng 8 năm 2008). “Is Russia a Superpower? Cold War II?”. Atlantic Review. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2016. 

  61. ^ “What's Looming in Ukraine Is more Threatening than Georgia”. Der Spiegel. 16 tháng 10 năm 2008. Truy cập ngày 20 tháng 10 năm 2016. Nikonov: Russia is not a superpower and won't be one for the foreseeable future. But Russia is a great power. It was one, it is one and it will continue to be one. 

  62. ^ “Russia is a Superpower CNN, US Senators telling the truth”. CNN News. 30 tháng 8 năm 2008. 

  63. ^ Venezuela's President Hugo Chávez recognizes independence of breakaway Georgia republics by Megan K. Stack. September 9, 2009

  64. ^ Netanyahu declares Russia as superpower Russia Today News February 15, 2010

  65. ^ “Amnesty International report on Russia”. Amnesty International. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 7 năm 2010. Truy cập ngày 11 tháng 7 năm 2010. 

  66. ^ “Annual report Russia”. Freedom House. 10 tháng 5 năm 2004. Truy cập ngày 27 tháng 4 năm 2010. 

  67. ^ Most Russians Say Gay Sex Is 'Reprehensible' after 20-Year Spike in Homophobia, Poll Shows

  68. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên Savenko, Perekhov

  69. ^ “Gay in Putin's Moscow: why the city is pinker than you think”. The Guardian. 13 tháng 6 năm 2015. 

  70. ^ “Inside the gay club scene in St Petersburg, Russia”. Daily Xtra. 31 tháng 5 năm 2014. 

  71. ^ “Chapter 2—Investing In Russian Defense Conversion: Obstacles and Opportunities”. Federation of American Scientists. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  72. ^ “Status of Nuclear Powers and Their Nuclear Capabilities”. Federation of American Scientists. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  73. ^ Công nghiệp Quốc phòng Nga đã lạc hậu? - VTC News

  74. ^ “Russia arms exports could exceed $7 bln in 2007 – Ivanov”. RIA Novosti. Truy cập ngày 27 tháng 1 năm 2008. 

  75. ^ Russia: Assessment, Adam Baltin Interview, Opinion Poll on State of Armed Forces, FBIS: Informatsionno-Analiticheskoye Agentstvo Marketing i Konsalting, Ngày 14 tháng 3 năm 2006 

  76. ^ “Russian defense spending to grow 20% in 2008, to $40 bln”. RIA Novosti. Truy cập ngày 13 tháng 3 năm 2008. 

  77. ^ “Rice: Russia's Military Moves 'a Problem'”. ABC News. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2008. 

  78. ^ “Overview of the major Asian Powers” (PDF). International Institute for Strategic Studies: 31. Truy cập ngày 27 tháng 1 năm 2008. 

  79. ^ “World Wide Military Expenditures”. Global Security. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2008. 

  80. ^ “Big rise in Russian military spending raises fears of new challenge to west”. Guardian. Truy cập ngày 6 tháng 1 năm 2008. 

  81. ^ Pukhov, R. (2009). “Serdyukov Cleans Up the Arbat”. Moscow Defense Brief (Centre for Analysis of Strategies and Technologies) (#1 (15) / 2009). Truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2009. 

  82. ^ Barabanov, M (ngày 16 tháng 2 năm 2009). “The Army's Chief Destroyer”. The Moscow Times. Truy cập ngày 19 tháng 5 năm 2009. 

  83. ^ Kazak, Sergey. “Russia to Up Nuclear Weapons Spending 50% by 2016”. RIA Novosti. Truy cập ngày 1 tháng 3 năm 2014. 

  84. ^ “Địa lý nước NGA”. Truy cập 30 tháng 4 năm 2015. 

  85. ^ Nga bớt 2 múi giờ để phát triển kinh tế

  86. ^ a ă “Climate”. Library Of Congress. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2007. 

  87. ^ Drozdov, V. A. và đồng nghiệp (1992). “Ecological and Geographical Characteristics of the Coastal Zone of the Black Sea”. GeoJournal (27.2, pp. 169–178: Springer Netherlands) 27: 169. doi:10.1007/BF00717701. 

  88. ^ Library of Congress. “Topography and Drainage”. Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2007. 

  89. ^ Walsh, NP. “It's Europe's lungs and home to many rare species. But to Russia it's £100bn of wood”. Guardian (UK). Truy cập ngày 26 tháng 12 năm 2007. 

  90. ^ list of animals of Red Data Book of Russian Federation (ngày 1 tháng 11 năm 1997)

  91. ^ a ă https://books.google.com.vn/books?id=euRfDwAAQBAJ&pg=PA49&lpg=PA49&dq=russia+ppp+2016+2nd+europe&source=bl&ots=6msyLrD2PW&sig=S7umbhbvWqYniOd6Dk_P8538eDA&hl=vi&sa=X&ved=0ahUKEwi-i8qi3PfbAhWGAYgKHUnOBRc4ChDoAQgzMAM#v=onepage&q=russia%20ppp%202016%202nd%20europe&f=false

  92. ^ Justin Lahart (ngày 16 tháng 12 năm 2014). “Yield Seekers Prone to Russia’s Disease”. Wall Street Journal. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2014. 

  93. ^ Mike Dorning and Ian Katz (ngày 16 tháng 12 năm 2014). 16 tháng 12 năm 2014/u-s-won-t-ease-sanctions-to-prevent-economic-meltdown-in-russia.html “U.S. Won’t Ease Sanctions to Stem Russia’s Economic Crisis”. Bloomberg. Truy cập ngày 16 tháng 12 năm 2014. 

  94. ^ “The average salary in Russia is now lower than in China and Poland”. rbth. 

  95. ^ “Number of Russians Living in Poverty Rises”. The Wall Street Journal. 21 tháng 3 năm 2016. 

  96. ^ “Today's Stock Market News and Analysis from Nasdaq.com”. NASDAQ.com. 

  97. ^ "Land Use"

  98. ^ Data by Rosstat (tiếng Nga)

  99. ^ Russia takes the third place in the world by grain exports, rosbankjournal.ru (tiếng Nga)

  100. ^ Data by Rosstat (tiếng Nga)

  101. ^ Main agricultural products by type of owners Rosstat, 2009 (tiếng Nga)

  102. ^ “FAO. 2010. Global Forest Resources Assessment 2010. Main Report. FAO Forestry Working Paper 163, Rome, Italy” (PDF). Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2013. 

  103. ^ Глобальная оценка лесных ресурсов 2010 года [Global Forest Resources Assessment 2010] (PDF) (bằng tiếng Nga). FAO Forestry Working Paper 163, Rome, Italy. 2010. 

  104. ^ “The Russian Federation Forest Sector Outlook Study to 2030” (PDF). FAO. Rome, Italy. 2012. Truy cập ngày 4 tháng 5 năm 2013. 

  105. ^ Vì sao công nghiệp Nga phát triển trì trệ? | Báo điện tử Tầm Nhìn

  106. ^ Nỗi đau người Nga và bài học cho Việt Nam - DVO - Báo Đất Việt

  107. ^ Kỹ sư CNQP Nga sang Đức, Italy “học hỏi” | Tin tức | Kienthuc.net.vn

  108. ^ SpaceX lần thứ 9 phóng thành công tên lửa lên trạm ISS | Tạp chí giao thông vận tải

  109. ^ “Thượng viện Mỹ chấp thuận mua động cơ tên lửa Nga - VnExpress”. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. 11 tháng 6 năm 2016. Truy cập 23 tháng 12 năm 2017. 

  110. ^ Linh kiện điện tử xuất lậu sang Nga - Tuổi Trẻ Online

  111. ^ Nga mua hàng tỷ USD linh kiện quốc phòng của Trung Quốc - Infonet

  112. ^ Nga mua linh kiện quân sự, Trung Quốc vui mừng khôn xiết

  113. ^ “Sự kiện & Bình luận Tin “gió mùa đông bắc” tại châu Âu”. 

  114. ^ RIA Novosti

  115. ^ American Institute of Aeronautics and Astronautics - Home Page

  116. ^ Space industry: Do we have lift-off? | The Economist

  117. ^ Medvedev cảnh báo Nga đang thua trong cuộc đua vũ trụ

  118. ^ Nga quyết chấn chỉnh công nghiệp vũ trụ - VnExpress

  119. ^ “Europe Joins Russia on Robotic ExoMars”. Truy cập 30 tháng 4 năm 2015. 

  120. ^ The Space Review: Red Planet blues

  121. ^ “To Mars and back in 520 days Russia Beyond The Headlines”. Truy cập 8 tháng 2 năm 2015. 

  122. ^ Từ Mars One đến Mars 500

  123. ^ Why America Needs a New Upper Stage Rocket More Than a Russian RD-180 Replacement | The National Interest Blog

  124. ^ “Lầu Năm Góc “nài nỉ” Thượng viện cho phép mua động cơ tên lửa Nga”. Báo An ninh Thủ đô. Truy cập 15 tháng 8 năm 2015. 

  125. ^ “Antares Upgrade Will Use RD-181s In Direct Buy From Energomash”. Truy cập 24 tháng 9 năm 2015. 

  126. ^ Discovery Top Ten Tanks: T-34

  127. ^ Poyer, Joe. The AK-47 and AK-74 Kalashnikov Rifles and Their Variations. North Cape Publications. 2004.

  128. ^ “Weaponomics: The Economics of Small Arms” (PDF). 

  129. ^ http://en.rian.ru/russia/20091011/156428675.html RIA Novosti: Medvedev outlines priorities for Russian economy's modernization

  130. ^ 13 tháng 1 năm 2012-su-noi-len-cua-cac-timbis

  131. ^ “Внедрение китайского вооружения и оборудования в российскую военную технику – уже не новость. Масштабы поражают воображение”. 

  132. ^ “Nhà khoa học Nga thử nghiệm động cơ cho tốc độ 1.000 km/giây - VnExpress”. VnExpress - Tin nhanh Việt Nam. Truy cập 9 tháng 8 năm 2016. 

  133. ^ Kuzmin, Viktor (3 tháng 7 năm 2014). “Concern in Russia as foreign tourist numbers slump”. 

  134. ^ “Russian Census of 2002”. 4.1. National composition of population. Federal State Statistics Service. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2008. 

  135. ^ a ă â b c “Demographics”. Federal State Statistics Service. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 2 năm 2009. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2009. 

  136. ^ “ngày 1 tháng 6 năm 2007: A great number of children in Russia remain highly vulnerable”. United Nations Children's Fund. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  137. ^ Xem Danh sách quốc gia theo mật độ dân số

  138. ^ “Resident population”. Federal State Statistics Service. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 5 năm 2007. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  139. ^ a ă “Demography”. Federal State Statistics Service. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 2 năm 2008. Truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2008. 

  140. ^ “Russia cracking down on illegal migrants”. International Herald Tribune. Ngày 15 tháng 1 năm 2007. Bản gốc lưu trữ ngày 15 tháng 9 năm 2008. 

  141. ^ Ethnic groups in Russia, 2002 census, Demoscope Weekly. Truy cập ngày 5 tháng 2 năm 2009

  142. ^ Russians left behind in Central Asia, BBC News, ngày 23 tháng 11 năm 2005.

  143. ^ “Demographics”. Library of Congress. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2008. 

  144. ^ “Russia's population down 0.17% in 2007 to 142 mln”. RIA Novosti. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2008. 

  145. ^ The World Factbook. “Rank Order — Birth rate”. Central Intelligence Agency. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2009. 

  146. ^ The World Factbook. “Rank Order — Death rate”. Central Intelligence Agency. Truy cập ngày 25 tháng 4 năm 2009. 

  147. ^ “Immigration Drives Russian Population Increase”. ria.ru. 20 tháng 8 năm 2012. 

  148. ^ Russian Emigration Spikes in 2013-2014 | The Diplomat

  149. ^ “Russian Census of 2002”. 4.3. Population by nationalities and knowledge of Russian; 4.4. Spreading of knowledge of languages (except Russian). Federal State Statistics Service. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2008. 

  150. ^ “The Constitution of the Russian Federation”. (Article 68, §2). Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  151. ^ “Russian”. University of Toronto. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 1 năm 2007. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  152. ^ Microsoft Encarta Online Encyclopedia 2007. “Russian language”. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. [liên kết hỏng]

  153. ^ “Russian language course”. Russian Language Centre, Moscow State University. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  154. ^ “The Constitution of the Russian Federation”. (Article 43 §1). Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  155. ^ Smolentseva, A. “Bridging the Gap Between Higher and Secondary Education in Russia”. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  156. ^ “Russia Country Guide”. EUbusiness.com. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  157. ^ “Background Note: Russia”. U.S. Department of State. Truy cập ngày 2 tháng 1 năm 2008. 

  158. ^ Đoàn tàu kinh tế Nga xa dần đường ray tăng trưởng

  159. ^ “Higher Education Institutions”. Federal State Statistics Service. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 2 năm 2008. Truy cập ngày 1 tháng 1 năm 2008. 

  160. ^ Education for all by 2015. UNESCO, Oxford University Press

  161. ^ [2]

  162. ^ “Higher education structure”. State University Higher School of Economics. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  163. ^ “The Constitution of the Russian Federation”. (Article 41). Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  164. ^ “Russian ombudsman about propiska restrictions in modern Russia”. Truy cập ngày 23 tháng 7 năm 2008. 

  165. ^ “Residency Restrictions in Moscow by Brad K. Blitz” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 16 tháng 7 năm 2011. Truy cập ngày 23 tháng 7 năm 2008. 

  166. ^ Field, M G. The health and demographic crisis in post-Soviet Russia: a two-phase development in "Russia’s Torn Safety Nets", edited by Field M. G., Twigg J. L. (eds). 2000:11–42: St. Martin’s Press. 

  167. ^ “Highlights on Health in the Russian Federation” (PDF). World Health Organization. 1999. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  168. ^ Leonard, W R (tháng 4 năm 2002). “Declining growth status of indigenous Siberian children in post-Soviet Russia”. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  169. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên demo26data

  170. ^ “European Union”. Central Intelligence Agency. Truy cập ngày 20 tháng 1 năm 2008. 

  171. ^ a ă “Heart disease kills 1.3 million annually in Russia — chief cardiologist”. RIA Novosti. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  172. ^ Burlington Free Press, ngày 26 tháng 6 năm 2009, page 2A, "Study blames alcohol for half Russian deaths"

  173. ^ “Corruption Pervades Russia's Health System”. CBS News. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  174. ^ “Third of Russians smoke, but half welcome public smoking ban”. RIA Novosti. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  175. ^ “HIV/AIDS in the Russian Federation”. The World Bank. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  176. ^ “Russian regional HIV vaccine center seeks $40–50 mln from budget”. RIA Novosti. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  177. ^ Russian Federation AIDS information “Russian Federation”. UNAIDS: The Joint United Nations Programme on HIV/AIDS. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2008. 

  178. ^ “119,000 TB cases in Russia — health official”. RIA Novosti. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  179. ^ “Country Profile: Russia” (PDF). Library of Congress—Federal Research Division. Tháng 10 năm 2006. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 26 tháng 2 năm 2005. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  180. ^ “Russian policies ignite unprecedented birth rate in 2007”. The Economic Times. Truy cập ngày 11 tháng 3 năm 2008. 

  181. ^ “United Nations Expert Group Meeting On International Migration and Development” (PDF). Population Division; Department of Economic and Social Affairs; United Nations Secretariat. 6–ngày 8 tháng 7 năm 2005. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  182. ^ “In Putin’s Russia, Universal Health Care Is for All Who Pay”. Bloomberg.com. 13 tháng 5 năm 2015. Truy cập ngày 24 tháng 4 năm 2017. 

  183. ^ “Putin’s Cutbacks in Health Care Send Russian Mortality Rates Back Up – Jamestown”. 

  184. ^ Russian Cuisine by Ruth Jenkins, page 48

  185. ^ "Arena: Atlas of Religions and Nationalities in Russia". Sreda, 2012.

  186. ^ 2012 Arena Atlas Religion Maps. "Ogonek", № 34 (5243), 27/08/2012. Retrieved 21/04/2017. Archived.

  187. ^ Bell, I. “Eastern Europe, Russia and Central Asia”. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  188. ^ Zuckerman, P (2005). Atheism: Contemporary Rates and Patterns, chapter in The Cambridge Companion to Atheism, ed. by Michael Martin. Cambridge University Press. 

  189. ^ “Religion In Russia”. Embassy of the Russian Federation. Bản gốc lưu trữ ngày 8 tháng 2 năm 2001. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  190. ^ a ă Microsoft Encarta Online Encyclopedia 2007. “Russia”. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  191. ^ “Russia”. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2008. 

  192. ^ (tiếng Nga) Опубликована подробная сравнительная статистика религиозности в России и Польше”. religare.ru. Ngày 6 tháng 6 năm 2007. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  193. ^ “Fact Box: Muslims In Russia”. Radio Free Europe. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  194. ^ Page, J. “The rise of Russian Muslims worries Orthodox Church”. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  195. ^ “20Mln Muslims in Russia and mass conversion of ethnic Russians are myths — expert”. Interfax. Truy cập ngày 1 tháng 4 năm 2008. 

  196. ^ “Russia's Islamic rebirth adds tension”. Financial Times. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  197. ^ 27 tháng 6 năm 2007-voa4.cfm Russia Faces Population Dilemma, VOA News, ngày 18 tháng 6 năm 2007

  198. ^ Mainville, M (ngày 19 tháng 11 năm 2006). “Russia has a Muslim dilemma”. Page A - 17. San Francisco Chronicle. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  199. ^ Nettleton, S. “Prayers for Ivolginsky”. CNN. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 11 năm 2001. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  200. ^ “Russia::Religion”. Encyclopædia Britannica Online. 2007. Truy cập ngày 27 tháng 12 năm 2007. 

  201. ^ Kelly, C (2001). Russian Literature: A Very Short Introduction (Paperback). Oxford Paperbacks. ISBN 0-19-280144-9. 

  202. ^ “Russian literature; Leo Tolstoy”. Encyclopædia Britannica. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2008. 

  203. ^ Otto Friedrich (6 tháng 9 năm 1971). “Freaking-Out with Fyodor”. Time Magazine. Truy cập ngày 10 tháng 4 năm 2008. 

  204. ^ Birgit Beumers. A History of Russian Cinema. Berg Publishers (2009). ISBN 978-1-84520-215-6. p. 143.

  205. ^ Ruiz, Rebecca (18 tháng 7 năm 2016). “Russia May Face Olympics Ban as Doping Scheme Is Confirmed”. The New York Times. ISSN 0362-4331. Truy cập ngày 26 tháng 7 năm 2016. 

  206. ^ “MCLAREN INDEPENDENT INVESTIGATION REPORT – PART II”. wada-ama.org. 9 tháng 12 năm 2016. 

  207. ^ Ruiz, Rebecca R. (9 tháng 12 năm 2016). “Russia’s Doping Program Laid Bare by Extensive Evidence in Report”. The New York Times. 

  208. ^ Ostlere, Lawrence (9 tháng 12 năm 2016). “McLaren report: more than 1,000 Russian athletes involved in doping conspiracy”. The Guardian. 

  209. ^ Ellingworth, James (13 tháng 12 năm 2016). “Emails show how Russian officials covered up mass doping”. Associated Press. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 12 năm 2016. 

  210. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên builderbody.ru

  211. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên sports.ru

  212. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên polit.ru

  213. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên rambler.ru

  214. ^ "Yashin, the impregnable Spider". FIFA. Retrieved November 28, 2013

  215. ^ Information of Russia by Ruth Jenkkins, page 52 and 53

  216. ^ Problems of USSR, page 101

  217. ^ Nga dự định chi 20 tỉ USD cho World Cup 2018

  218. ^ “Corruption Perceptions Index 2014”. Transparency International. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2015. 

  219. ^ Lỗi chú thích: Thẻ <ref> sai; không có nội dung trong thẻ ref có tên Suhara

  220. ^ “Russia lost 4 billion dollars on unfavorable state procurement contracts in the last year”. Meduza (bằng tiếng en-US). Truy cập ngày 7 tháng 12 năm 2015. 

  221. ^ “Cops for hire”. Economist. 2010. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2015. 

  222. ^ Klara Sabirianova Peter; Tetyana Zelenska (2010). “Corruption in Russian Health Care: The Determinants and Incidence of Bribery” (PDF). Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2015. 

  223. ^ Elena Denisova-Schmidt; Elvira Leontyeva; Yaroslav Prytula (2014). “Corruption at Universities is a Common Disease for Russia and Ukraine”. Harvard University. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2015. 

  224. ^ e.V., Transparency International. “Corruption Perceptions Index 2016”. www.transparency.org. Truy cập ngày 24 tháng 3 năm 2017. 

  225. ^ (globalterrorismdb_0616dist.xlsx)

  226. ^ Global Terrorism Database (gtd1993_0616dist.xlsx). Retrieved from https://www.start.umd.edu/gtd University of Maryland

  227. ^ National Consortium for the Study of Terrorism and Responses to Terrorism. (2016). Global Terrorism Database (globalterrorismdb_0616dist.xlsx Lưu trữ July 10, 2016, tại Wayback Machine.).

  228. ^ National Consortium for the Study of Terrorism and Responses to Terrorism. (2016). Global Terrorism Database (gtd1993_0616dist.xlsx Lưu trữ July 10, 2016, tại Wayback Machine.). University of Maryland

  229. ^ Những vụ khủng bố thảm khốc ở Nga

  230. ^ vnexpress



Các nguồn của chính quyền[sửa | sửa mã nguồn]











Thông tin chung[sửa | sửa mã nguồn]





























No comments:

Post a Comment