Tổng thống Cộng hòa Pháp (tiếng Pháp: Président de la République française), thường được gọi là Tổng thống Pháp, là vị nguyên thủ quốc gia được dân bầu của đất nước này. Với chức vụ này, tổng thống Pháp cũng kiêm tước vị Đồng thân vương của Công quốc Andorra và Tổng Chỉ huy Binh đoàn Danh dự (Légion d'honneur).
Sách tiếng Việt vào đầu thế kỷ 20 gọi chức vị này là Giám quốc Pháp.[1]
Bốn trong năm nền cộng hòa của Pháp đã có tổng thống làm nguyên thủ, vì thế chức này là chức tổng thống tồn tại lâu đời nhất châu Âu và thứ 2 thế giới (sau tổng thống Mỹ). Qua hiến pháp của mỗi nền cộng hòa, các quyền lực, địa vị, và trách nhiệm của tổng thống đã trải qua nhiều thay đổi.
Tổng thống đương nhiệm là Emmanuel Macron (nhậm chức ngày 14 tháng 5 năm 2017).
Khác với chức tổng thống ở các nước châu Âu khác, Tổng thống Pháp có nhiều quyền lực thật sự, nhất là trong vấn đề ngoại giao. Tuy Thủ tướng và Quốc hội điều hành việc lập pháp, Tổng thống có nhiều ảnh hưởng quan trọng, chính thức và theo thông lệ. Tổng thống là chức vụ cao nhất đất nước, cao hơn tất cả các chức vụ khác.
Có thể quyền quan trọng nhất của Tổng thống là chọn Thủ tướng. Tuy thế, vì chỉ có Quốc hội mới có quyền bãi nhiệm chính phủ của một Thủ tướng, Tổng thống bị buộc phải chọn một Thủ tướng được đa số Quốc hội tán thành.
- Khi phần đông Quốc hội không tán thành chính sách của Tổng thống, việc này dẫn đến việc "sống chung chính trị" (cohabitation). Trong trường hợp này, quyền của Tổng thống bị giới hạn, vì quyền thực sự dựa vào sự ủng hộ của Thủ tướng và Quốc hội chứ không phải vào quyền có từ hiến pháp. Tuy nhiên, theo thông lệ thì Tổng thống điều khiển chính sách ngoại giao, nhưng cũng phải hợp tác với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
- Khi phần đông Quốc hội có cùng quan điểm với Tổng thống, Tổng thống đóng được một vai trò tích cực hơn, và do đó điều khiển chính sách chính phủ. Lúc này, Thủ tướng chỉ là một cái "ngòi", và sẽ bị thay đổi khi chính phủ không được dân tán thành.
Theo Hiến pháp Pháp, sau đây là các quyền lực của Tổng thống:
- Công bố các đạo luật
- Tổng thống có thể triệu tập một phiên họp Hội đồng Lập hiến trước khi ký thông qua 1 đạo luật
- Bổ nhiệm một số chức vụ quan trọng trong chính phủ (với sự phê chuẩn của nội các)
- Bổ nhiệm 3 trong số 9 thành viên của Hội đồng Lập hiến, trong đó có Chủ tịch của Hội đồng
- Tiếp đón các đại sứ nước ngoài.
- Làm nhẹ tội (không ân xá) các tội phạm. Việc này quan trọng khi Pháp còn có án tử hình: tội phạm có thể xin Tổng thống giảm án xuống tù chung thân thay vì tử hình.
Sau khi Đệ ngũ Cộng hoà thành lập năm 1958, người dân Pháp không trực tiếp bầu lên Tổng thống mà thông qua các đại cử tri. Ngày 28 tháng 10 năm 1962, một cuộc trưng cầu dân ý về hình thức bỏ phiếu trực tiếp được tổ chức, và với 61,7% ý kiến ủng hộ, kể từ năm 1965, việc bầu cử tổng thống Pháp chính thức được tổ chức theo hình thức phổ thông đầu phiếu.
Các ứng cử viên tổng thống cần đảm bảo điều kiện sức khoẻ cũng như không được dưới 23 tuổi và quan trọng nhất là phải có được sự ủng hộ của một nhóm các chính khách (thành viên của Thượng nghị viện, Hạ nghị viện, thị trưởng, tỉnh trưởng, các thành viên trong Hội đồng Cố vấn của vùng). Trước đây, mỗi ứng cử viên được yêu cầu có sự ủng hộ của 100 chính khách, nhưng từ sau một điều luật được thông qua ngày 28 tháng 6 năm 1976, số chữ ký ủng hộ mà mỗi ứng viên Tổng thống cần có tăng lên 500. Luật cũng nói rằng những người ủng hộ này phải đến từ ít nhất 30 tỉnh (Chính quốc và Hải ngoại) và mỗi tỉnh có không quá 10% số người ủng hộ. Sau khi thu thập đủ số chữ ký ủng hộ, Hội đồng Lập hiến nhà nước sẽ là cơ quan kiểm tra tính hợp pháp cho hồ sơ của mỗi ứng viên. Cuộc bầu cử sẽ diễn ra trong vòng từ 20 tới 35 ngày trước khi Tổng thống đương chức mãn nhiệm hoặc từ 20 tới 35 ngày sau khi Tổng thống đương chức qua đời hay từ chức.
Trước đây, mỗi nhiệm kì Tổng thống Pháp kéo dài 7 năm. Nhưng kể từ sau một đạo luật thông qua ngày 20 tháng 11 năm 1973, qua đó cho phép các ứng viên tổng thống ứng cử không giới hạn số nhiệm kì, ý tưởng rút ngắn nhiệm kì tổng thống mới hình thành. Tổng thống Pháp khi đó là Georges Pompidou đã đề xuất việc rút ngắn mỗi nhiệm kì tổng thống từ 7 năm xuống còn 5 năm nhưng gặp phải nhiều ý kiến phản đối. Mãi tới tháng 6 năm 2000, Hạ viện rồi sau đó là Thượng viện Pháp mới thông qua đề xuất rút ngắn nhiệm kì. Một cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức ngày 24 tháng 9 cùng năm cũng cho thấy 73% dân chúng Pháp đồng thuận với ý kiến này. Hiến pháp mới của nước Pháp năm 2008 cũng quy định không một ứng viên nào được phép ứng cử quá 2 nhiệm kì liên tiếp, đồng nghĩa với không Tổng thống Pháp nào trong tương lai có nhiệm kì quá 10 năm liên tục.
Tổng thống Pháp được bầu cử theo nhiều vòng. Nếu không ứng cử viên nào thắng được đa số phiếu (trên 50%) thì hai ứng cử viên với nhiều phiếu nhất sẽ tranh đấu nhau trong vòng thứ hai.
Trong lịch sử Đệ ngũ Cộng hoà, có hai tổng thống là François Mitterrand và Jacques Chirac được bầu làm Tổng thống hai nhiệm kỳ (Charles de Gaulle cũng được bầu làm tổng thống 2 nhiệm kỳ, song từ chức khi đương nhiệm vào năm 1969).
Tổng thống Nicolas Sarkozy được bầu lần đầu năm 2007 và nhiệm kỳ của ông đã kết thúc năm 2012. Tổng thống François Hollande được bầu lần đầu năm 2012 và nhiệm kỳ của ông đã kết thúc năm 2017.
Trong trường hợp chức vụ Tổng thống bị bỏ trống (đột ngột qua đời, từ chức hay bị đình chỉ chức vụ tạm thời theo yêu cầu của Hội đồng Lập hiến) thì Chủ tịch Thượng viện có quyền chỉ định một Tổng thống tạm quyền. Việc tạm quyền Tổng thống không được phép kéo dài quá 35 ngày và Tổng thống tạm quyền có đầy đủ quyền hành trừ những điều khoản đặc biệt quy định trong điều 16 Hiến pháp. Theo đó Tổng thống tạm quyền không được phép sửa đổi Hiến pháp, tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý cũng như giải tán Hạ viện. Trong lịch sử của Đệ ngũ Cộng hoà, từng có 2 lần việc tạm quyền Tổng thống diễn ra. Lần đầu là vào năm 1969, Alain Poher tạm quyền sau khi Charles de Gaulle từ chức tổng thống và lần thứ 2 là vào năm 1974, sau khi tổng thống Georges Pompidou qua đời và người tạm quyền là Valéry Giscard d'Estaing, sau này cũng được bầu làm Tổng thống nước Cộng hoà Pháp.
Danh sách Tổng thống Cộng hòa Pháp[sửa | sửa mã nguồn]
- Đệ nhị Cộng hòa Pháp
- Đệ tam Cộng hòa Pháp
- Adolphe Thiers, 1871 - 1873
- Patrice Mac-Mahon, duc de Magenta, 1873 - 1879
- Jules Grévy, 1879 - 1887
- Marie François Sadi Carnot, 1887 - 1894
- Jean Casimir-Périer, 1894 - 1895
- Félix Faure, 1895 - 1899
- Émile Loubet, 1899 - 1906
- Armand Fallières, 1906 - 1913
- Raymond Poincaré, 1913 - 1920
- Paul Deschanel, 18 tháng 2 1920 - 21 tháng 9 - 1920
- Alexandre Millerand, 1920 - 1924
- Gaston Doumergue, 1924 - 1931
- Paul Doumer, 1931 - 1932
- Albert Lebrun, 1932 - 1940
- Thể chế Vichy
- Thể chế Tự Do nước Pháp
- Chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp ("Chủ tịch Chính phủ lâm thời", không dùng từ tổng thống)
- Đệ tứ Cộng hòa Pháp
- Đệ ngũ Cộng hòa Pháp
- ^ Phạm Quỳnh. Hành trình nhật ký: mười ngày ở Huế, một tháng ở Nam Kỳ, Pháp du hành trình nhật ký. Yerres: Ý Việt, 1997. tr 272.
No comments:
Post a Comment