Sóc Trăng |
---|
Tỉnh |
Công viên Bạch Đằng sau lưng trụ sở Ủy ban Tỉnh, Tp. Sóc Trăng |
Địa lý |
---|
Tọa độ: 9°36′B 105°54′Đ / 9,6°B 105,9°Đ / 9.6; 105.9Tọa độ: 9°36′B 105°54′Đ / 9,6°B 105,9°Đ / 9.6; 105.9 |
Diện tích | 3.311,6 km²[1][2] |
---|
Dân số (2013) | |
---|
Tổng cộng | 1.308.300 người[2] |
---|
Mật độ | 395 người/km² |
---|
Dân tộc | Kinh, Hoa, Khmer... |
---|
Vị trí Sóc Trăng trên bản đồ Việt Nam
|
---|
|
|
Hành chính |
---|
Quốc gia | Việt Nam |
---|
Vùng | Đồng bằng sông Cửu Long |
---|
Tỉnh lỵ | Thành phố Sóc Trăng |
---|
Chính quyền | |
---|
Chủ tịch UBND | Trần Văn Chuyện |
---|
Chủ tịch HĐND | Lâm Văn Mẫn |
---|
Chánh án TAND | Trần Hùng Dũng |
---|
Viện trưởng VKSND | Đinh Gia Hưng |
---|
Bí thư Tỉnh ủy | Phan Văn Sáu |
---|
Trụ sở UBND | Số 1 đường Châu Văn Tiếp, Phường 2, thành phố Sóc Trăng |
---|
Phân chia hành chính | 1 thành phố, 2 thị xã, 8 huyện |
---|
Mã hành chính | VN-52 |
---|
Mã bưu chính | 95xxxx |
---|
Mã điện thoại | 299 |
---|
Biển số xe | 83 |
---|
Website | Tỉnh Sóc Trăng |
---|
Sóc Trăng là một tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long thuộc Việt Nam, nằm ở cửa Nam sông Hậu, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 231 km, cách Cần Thơ 62 km. Tỉnh Sóc Trăng nằm ở hạ nguồn của sông Hậu, là nơi sông Hậu đổ vào biển Đông tại hai cửa Định An và Trần Đề, với dân số và diện tích đều đứng thứ 6 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long[2].
Tên gọi Sóc Trăng do từ Srok Kh'leang của tiếng Khmer mà ra. Srok tức là "xứ", "cõi", Kh'leang (ឃ្លាំង) là "kho", "vựa", "chỗ chứa bạc". Srok Kh'leang là xứ có kho chứa bạc của nhà vua. Tiếng Việt phiên âm ra là "Sốc-Kha-Lang" rồi sau đó thành Sóc Trăng. Dưới triều Minh Mạng, Sóc Trăng bị đổi là Nguyệt Giang tỉnh (chữ Sóc biến thành chữ Sông, Trăng thành Nguyệt nên Sóc Trăng biến thành Sông Trăng rồi bị đổi thành Nguyệt Giang)[3]
Đại Nam nhất thống chí viết về sông Ba Xuyên thuộc địa bàn tỉnh An Giang nhà Nguyễn như sau: "... Sông Ba Xuyên ở phía Nam hạ lưu sông Hậu Giang, cách huyện Vĩnh Định 8 dặm về phía Bắc, trước là sông Ba Thắc, rộng 15 trượng sâu 8 thước, đi về phía Nam 15 dặm, đổ ra cửa biển Ba Xuyên, đi về phía Tây 60 dặm đến trường Tàu, tức là chỗ tàu biển đỗ. Ở đây người Trung Quốc và người Cao Miên ở lẫn lộn, chợ phố liên tiếp, lại 65 dặm đến ngã ba sông Nguyệt, tục gọi là Sóc Trăng,... Năm Kỷ Dậu (1789) hồi đầu thời trung hưng đặt bảo Trấn Di ở phía Bắc sông Ba Thắc, tức sông này."[4]
Cơ cấu lãnh đạo nhiệm kỳ 2016 - 2021[sửa | sửa mã nguồn]
Trung tâm hành chính Sóc Trăng là đơn vị quản lý nhà nước của Sóc Trăng là:
- Tỉnh ủy Sóc Trăng
- Thường trực Hội đồng Nhân dân Tỉnh Sóc Trăng
- Ủy ban nhân dân Tỉnh Sóc Trăng
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Bí thư Tỉnh ủy:
Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy:
Phó Bí thư Tỉnh ủy:
- Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng.
- Trần Văn Chuyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng.
Tỉnh Sóc Trăng nằm ở cửa Nam sông Hậu, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 231 km, cách Cần Thơ 62 km, nằm trên tuyến Quốc lộ 1A nối liền các tỉnh Hậu Giang, Thành phố Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau. Tỉnh Sóc Trăng có vị trí tọa độ 9012’ - 9056’ vĩ Bắc và 105033’ - 106023’ kinh Đông. Đường bờ biển dài 72 km và 03 cửa sông lớn là Định An, Trần Đề, Mỹ Thanh đổ ra Biển Đông. Địa giới hành chính của Sóc Trăng ở phía Bắc và Tây Bắc giáp tỉnh Hậu Giang, phía Tây Nam giáp tỉnh Bạc Liêu, phía Đông Bắc giáp tỉnh Trà Vinh và một phần giáp tỉnh Vĩnh Long, Phía Đông và Đông Nam giáp Biển Đông[5].
Khí hậu[sửa | sửa mã nguồn]
Sóc Trăng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới chịu ảnh hưởng gió mùa, chia thành mùa là mùa khô và mùa mưa, trong đó mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình hàng năm của Sóc Trăng khoảng 26,8 °C, ít khi bị bão lũ, Lượng mưa trung bình trong năm là 1.864 mm, tập trung chủ yếu vào các tháng 8,9,10, độ ẩm trung bình là 83%, thuận lợi cho cây lúa và các loại hoa màu phát triển[6].
Đất đai, thổ nhưỡng[sửa | sửa mã nguồn]
Đất đai của Sóc Trăng có độ màu mỡ cao, thích hợp cho việc phát triển cây lúa nước, cây công nghiệp ngắn ngày như mía, đậu nành, bắp, các loại rau màu như hành, tỏi và các loại cây ăn trái như bưởi, xoài, sầu riêng... Hiện đất nông nghiệp chiếm 82,89%, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp chiếm 62,13%, đất lâm nghiệp có rừng 11.356 ha chiếm 3,43%, đất nuôi trồng thuỷ sản 54.373 ha chiếm 16,42%, đất làm muối và đất nông nghiệp khác chiếm 0,97%. Đất nông nghiệp trong địa bàn tỉnh chủ yếu sử dụng cho canh tác lúa, cây hàng năm khác và diện tích đất còn lại dùng trồng cây lâu năm và cây ăn trái, ngoài ra cũng có nhiều diện tích đất tự nhiên chưa được sử dụng. Đất đai tại Sóc Trăng có thể chia thành 4 nhóm chính là nhóm đất cát, nhóm đất phù sa, nhóm đất mặn, nhóm đất nhân tác??. Điều kiện tự nhiên trong địa bàn tỉnh nhìn chung cũng đang gặp phải khó khăn như thiếu nước ngọt và bị xâm nhập mặn trong Mùa khô, một số khu vực bị nhiễm phèn, nhưng việc sử dụng đất ở Sóc Trăng lại có nhiều thuận lợi cơ bản để phát triển nông, ngư nghiệp đa dạng và trên cơ sở đó hình thành những khu du lịch sinh thái phong phú. Đặc biệt, Sóc Trăng còn có dải cù lao thuộc huyện Kế Sách, Long Phú và Cù Lao Dung chạy dài ra tận cửa biển với nhiều cây trái nhiệt đới, không khí trong lành như cồn Mỹ Phước, Khu du lịch Song Phụng, Cù Lao Dung... là địa điểm lý tưởng để phát triển loại hình du lịch sinh thái[6].
Địa hình[sửa | sửa mã nguồn]
Địa hình trong tỉnh Sóc Trăng thấp và tương đối bằng phẳng, có dạng lòng chảo, cao ở phía sông Hậu và biển Đông thấp dần vào trong, vùng thấp nhất là phía Tây và Tây Bắc, với Độ cao cốt đất tuyệt đối từ 0,4 - 1,5 mét, độ dốc thay đổi khoảng 45 cm/km chiều dài. Tiểu địa hình có dạng gợn sóng không đều, xen kẽ là những giồng cát địa hình tương đối cao và những vùng thấp trũng nhiễm mặn, phèn. Sóc Trăng có hệ thống kinh rạch chịu ảnh hưởng của chế độ thủy triều ngày lên xuống 2 lần, mực triều dao động trung bình từ 0,4 m đến 1 m. Thủy triều vùng biển gắn liền với các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của cư dân địa phương, đồng thời còn mang lại nhiều điều kỳ thú cho du khách khi đến tham quan, du lịch và tìm hiểu hệ sinh thái rừng tự nhiên[6].
Sông ngòi[sửa | sửa mã nguồn]
Sông Nguyệt (sông Maspero) TP.Sóc Trăng
Sóc Trăng có hệ thống kênh rạch chịu ảnh hường của chế độ thủy triều ngày lên xuống 2 lần, mực triều dao động trung bình từ 0,4 m đến 1 m. Thủy triều vùng biển không những gắn liền với các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của cư dân địa phương, mà còn mang lại nhiều điều kỳ thú cho du khách khi đến tham quan, du lịch và tìm hiểu hệ sinh thái rừng tự nhiên.
Nhờ vào địa thế đặc biệt, nơi dòng sông Hậu đổ ra biển Đông, vùng có nhiều trữ lượng tôm cá, Sóc Trăng có đủ điều kiện thuận lợi để cũng như phát triển kinh tế biển tổng hợp.[7]
Tài nguyên [sửa | sửa mã nguồn]
Sóc Trăng còn có nguồn tài nguyên rừng với các loại cây chính như Tràm, bần, giá, vẹt, đước, dừa nước. Rừng của Sóc Trăng thuộc hệ rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm ở khu vực đất nhiễm phèn. Sóc Trăng còn có 72 km bờ biển với 02 cửa sông lớn là sông Hậu và sông Mỹ Thanh, có nguồn hải sản đáng kể bao gồm cá đáy, cá nổi và tôm. Sóc Trăng có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế biển tổng hợp, thuỷ hải sản, nông - lâm nghiệp biển, công nghiệp hướng biển, thương cảng, cảng cá, dịch vụ cảng biển, xuất nhập khẩu, du lịch và vận tải biển[6].
Thời phong kiến[sửa | sửa mã nguồn]
Vùng Sóc Trăng tiền thân vốn là đất Ba Thắc, mà vào nửa cuối thế kỷ 18 đã bắt đầu được sáp nhập vào lãnh thổ xứ Đàng Trong của Việt Nam. Ban đầu vùng Sóc Trăng (Ba Thắc) thuộc dinh Vĩnh Trấn, (sau đổi thành trấn Vĩnh Thanh), phủ Gia Định của Đàng Trong.[8] Đại Nam nhất thống chí viết rằng: Đất Ba Thắc (sau là phủ Ba Xuyên tỉnh An Giang) nguyên là đất Cao Miên, đến đầu thời trung hưng cơ nghiệp chúa Nguyễn của Nguyễn Ánh (tức là khoảng sau năm 1788, sau khi lấy lại được vùng đất Nam Hà (Miền Nam Việt Nam) từ tay nhà Tây Sơn), Nguyễn Ánh lập đất đó thành phủ An Biên và cho người Man (người Cao Miên) lập đồn điền ở đây. Đến năm Nhâm Tý (1792) Nặc Ấn (Ang Eng tức Narayanaraja III (1779-1796)) từ Xiêm La trở về Cao Miên. Nguyễn Ánh cắt đất Ba Thắc trả về cho Nặc Ấn. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835), quan phiên (người Cao Miên) là Trà Long xin đặt quan cai trị [đất ấy], Minh Mạng liền đổi tên phủ là Ba Xuyên và cho đặt chức an phủ sứ để quản phủ này.[9][10] (Phủ An Biên (thuộc dinh Vĩnh Trấn (Long Hồ)) này là khác với phủ An Biên của tỉnh Hà Tiên nhà Nguyễn chỉ mới đặt ra vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826)[11].) Đại Việt địa dư toàn biên của Nguyễn Văn Siêu viết: "....Con Tôn là Ấn thay lên làm vua, nước Trà Và đến xâm lược, Ấn chạy sang nước Xiêm ở bên ấy. Sai Chiêu Trùy Biện giữ nước. Đến lúc Ấn về lập tức sai sứ đem phương vật sang cống ta. Vua cho đất Ba Thắc (năm Minh Mạng thứ 16 lại đặt chỗ này làm phủ Ba Xuyên)..."[12]. Như vậy, đất Ba Thắc của Cao Miên, bắt đầu thuộc chúa Nguyễn (do Nặc Ong Nhuận (Ang Tong tức vua Ramathipadi II), (khoảng năm 1756-1757) dâng cho chúa Nguyễn Phúc Khoát cùng với đất Trà Vinh[13]) giai đoạn 1757-1792; rồi lại về Cao Miên giai đoạn 1792-1835 (cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19); từ sau năm 1835 vùng đất Ba Thắc (tiền thân của Sóc Trăng) mới hoàn toàn thuộc vào lãnh thổ Đại Nam (tức Việt Nam) (giai đoạn 1835-1867 đất Ba Thắc trở thành phủ Ba Xuyên thuộc tỉnh An Giang nhà Nguyễn). Năm 1840, vua Minh Mạng đổi chức An phủ sứ thành Tri phủ, cử người Kinh đảm trách. Phủ Ba Xuyên lúc này tục gọi là Sóc Trăng, có 3 huyện Phong Nhiêu, Phong Thạnh và Vĩnh Định. Trong Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Sơn Nam viết: "Vùng Ba Thắc (Sóc Trăng, Kế Sách). Vua Gia Long khi còn ở đất Gia Định thì cho người Miên (người Khmer) ở địa phương lập đồn điền mỗi năm nạp lúa sưu thuế. Năm 1792, Nặc Ấn ở Xiêm về, vua đem đất ấy cho lại; năm 1835, các quan lại người Miên ở địa phương yêu cầu ta giúp đỡ, vua Minh Mạng cho người Miên hưởng chế độ tự trị rộng rãi với quan phủ coi việc nội an, mãi đến khi người Pháp đánh nước ta, quan phủ vẫn là người Miên."
Thời Pháp thuộc[sửa | sửa mã nguồn]
Đầu thời Pháp thuộc, phủ Ba Xuyên đổi thành hạt thanh tra Ba Xuyên. Ngày 15 tháng 07 năm 1867, Pháp đổi hạt thanh tra Ba Xuyên thành hạt thanh tra Sóc Trăng, gồm 11 tổng; do Bertaux Levillain làm Chủ hạt đầu tiên (1867 - 1868). Ngày 05 tháng 06 năm 1871, Chủ hạt Sóc Trăng là Lahagre đồng ý nhận thêm hạt Long Xuyên tách ra từ hạt Rạch Giá. Ngày 18 tháng 12 năm 1871, hạt Long Xuyên được trả về cho hạt Rạch Giá. Từ ngày 05 tháng 01 năm 1876, các hạt thanh tra được đổi thành hạt tham biện, các thôn được gọi là làng. Chủ tỉnh lúc đó là Rossigneux.
Theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tất cả các hạt tham biện thành tỉnh thì từ ngày 1 tháng 1 năm 1900 hạt tham biện Sóc Trăng trở thành tỉnh Sóc Trăng.[14]. Tỉnh lỵ Sóc Trăng đặt tại làng Khánh Hưng thuộc tổng Nhiêu Khánh, quận Châu Thành. Viên chủ tỉnh đầu tiên là Gustave H. Delanoue (1900 - 1901).
Ngày 10 tháng 09 năm 1906, tỉnh Sóc Trăng có 3 quận là Phú Lộc, Kế Sách, Bàng Long; chủ tỉnh là Laffont. Ngày 30 tháng 08 năm 1916, quận Châu Thành thuộc tỉnh Sóc Trăng được thành lập. Ngày 01 tháng 03 năm 1926, quận Bàng Long được đổi tên thành quận Long Phú. Ngày 10 tháng 12 năm 1926, Chủ tỉnh Sóc Trăng là Maurice Esquivillon đổi tên quận Phú Lộc thành quận Thạnh Trị.
Ngày 19 tháng 11 năm 1929, Pháp hủy bỏ tất cả các Nghị định thành lập quận trước đó, giao cho một ban nghiên cứu chia lại các quận. Ngày 1 tháng 1 năm 1930, tỉnh Sóc Trăng được chia thành 3 quận là Châu Thành, Kế Sách và Long Phú. Năm 1941, Thống đốc Nam Kỳ quyết định thành lập lại quận Thạnh Trị thuộc tỉnh Sóc Trăng.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam bộ chủ trương bỏ cấp tổng, bỏ đơn vị làng, thống nhất gọi là xã, đồng thời bỏ danh xưng quận, gọi thay thế bằng huyện. Năm 1948, tỉnh Sóc Trăng nhận thêm huyện Vĩnh Châu do tỉnh Bạc Liêu giao cho. Chính quyền Việt Minh nhập huyện Vĩnh Châu vào địa bàn huyện Thạnh Trị.
Trong kháng chiến chống Pháp, tỉnh Sóc Trăng còn nhận thêm một số xã của tỉnh Rạch Giá và tỉnh Cần Thơ giao qua như: Mỹ Qưới, Hương Qưới, Vĩnh Qưới, Lộc Hòa, Long Trị, Long Tân, Tân Long, Long Phú, Phương Bình, Phương Phú (của tỉnh Rạch Giá) và Tân Phước Hưng (của tỉnh Cần Thơ). Năm 1954, tỉnh Sóc Trăng lại trao trả huyện Vĩnh Châu về cho tỉnh Bạc Liêu quản lý trở lại như trước.
Giai đoạn 1954-1975[sửa | sửa mã nguồn]
Việt Nam Cộng hòa[sửa | sửa mã nguồn]
Ban đầu, chính quyền Quốc gia Việt Nam và sau đó là Việt Nam Cộng hòa vẫn duy trì tên gọi tỉnh Sóc Trăng và tỉnh lỵ Sóc Trăng như thời Pháp thuộc. Năm 1955, chính quyền Việt Nam Cộng hòa chia tỉnh Sóc Trăng thành 8 quận: Châu Thành, Kế Sách, Long Phú, Thạnh Trị, Long Mỹ, Bãi Xàu, Bố Thảo và Lịch Hội Thượng. Trong đó, quận Long Mỹ được tỉnh Sóc Trăng nhận từ tỉnh Rạch Giá. Tuy nhiên, không lâu sau quận Long Mỹ lại được giao cho tỉnh Cần Thơ quản lý.
Ngày 22 tháng 10 năm 1956, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm ra Sắc lệnh số 143-NV để "thay đổi địa giới và tên Đô thành Sài Gòn – Chợ Lớn cùng các tỉnh và tỉnh lỵ tại Việt Nam". Địa giới và địa danh các tỉnh ở miền Nam thay đổi nhiều, một số tỉnh mới được thành lập. Theo Sắc lệnh này, địa phận Nam Phần của Việt Nam Cộng hòa gồm Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Lúc này, tỉnh Ba Xuyên được thành lập bao gồm phần đất tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Bạc Liêu trước đó, tỉnh lỵ đặt tại Sóc Trăng nhưng lúc này lại đổi tên là Khánh Hưng. Tỉnh lỵ Khánh Hưng lấy theo tên xã Khánh Hưng thuộc quận Châu Thành (sau năm 1958 là quận Mỹ Xuyên) vốn là nơi đặt tỉnh lỵ tỉnh Ba Xuyên.
Năm 1957, tỉnh Ba Xuyên gồm 8 quận: Châu Thành, Thạnh Trị, Long Phú, Lịch Hội Thượng, Bố Thảo (cùng thuộc tỉnh Sóc Trăng cũ), Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu, Giá Rai, Phước Long (cùng thuộc tỉnh Bạc Liêu cũ). Ngày 23 tháng 2 năm 1957, tỉnh trưởng Ba Xuyên là Huỳnh Văn Tư giao quận Kế Sách cho tỉnh Phong Dinh (tức tỉnh Cần Thơ trước đó) quản lý.
Ngày 13 tháng 1 năm 1958, theo Nghị định số 9-BNV/NC/NP của chính quyền Việt Nam Cộng hòa, địa giới hành chính tỉnh Ba Xuyên có sự điều chỉnh. Theo đó, quận Châu Thành đổi tên thành quận Mỹ Xuyên, quận Bố Thảo đổi tên thành quận Thuận Hoà, giải thể quận Lịch Hội Thượng và quận Vĩnh Châu. Các tổng và xã của các quận cũng có sự điều chỉnh quận Thạnh Trị còn 2 tổng Thạnh An, Thạnh Lộc, quận Long Phú có thêm tổng Định Phước.
Ngày 16 tháng 9 năm 1958, tỉnh trưởng Ba Xuyên là Trần Thanh Bền nhận lại quận Kế Sách từ tỉnh Phong Dinh. Ngày 5 tháng 12 năm 1960, tái lập quận Vĩnh Châu.
Ngày 21 tháng 12 năm 1961, quận Phước Long được chính quyền Việt Nam Cộng hòa giao cho tỉnh Chương Thiện. Lúc này, quận Phước Long cũng bị chia ra thành hai quận có tên là quận Phước Long và quận Kiến Thiện cùng thuộc tỉnh Chương Thiện.
Sắc lệnh số 245-NV ngày 8 tháng 9 năm 1964 của Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa quy định kể từ ngày 1 tháng 10 năm 1964 tái lập tỉnh Bạc Liêu, trên cơ sở tách các quận Vĩnh Lợi, Giá Rai, Vĩnh Châu của tỉnh Ba Xuyên và quận Phước Long của tỉnh Chương Thiện. Phần đất còn lại tương ứng với tỉnh Sóc Trăng trước năm 1956, tuy nhiên Việt Nam Cộng hòa vẫn giữ tên tỉnh Ba Xuyên cho vùng đất này đến năm 1975.
Ngày 11 tháng 12 năm 1965, tái lập quận Lịch Hội Thượng. Ngày 11 tháng 7 năm 1968, lập quận Hòa Tú. Ngày 16 tháng 6 năm 1969, lập quận Ngã Năm. Năm 1973, tỉnh Ba Xuyên gồm 8 quận: Mỹ Xuyên, Thuận Hòa, Long Phú, Thạnh Trị, Kế Sách, Ngã Năm, Lịch Hội Thượng, Hòa Tú. Tỉnh lỵ tỉnh Ba Xuyên vẫn giữ nguyên tên là "Khánh Hưng" cho đến năm 1975.
Các viên Chủ tỉnh Ba Xuyên (1950 - 1975)[15]:
- Lê Văn Thọ: Đốc Phủ Sứ Đặc hạng được bổ nhiệm từ ngày 23.02.1950 đến ngày 04.03.1953.
- Lương Khắc Nhạc: Đốc Phủ Sứ Đặc hạng, từ ngày 04.03.1953 đến 18.05.1954.
- Nguyễn Văn Ngân: Đốc Phủ Sứ Đặc hạng, từ ngày 18.05.1954 đến 12.04.1955.
- Dương văn Đức: Đại tá, từ 122.04.1955 đến ngày 12.03.1956.
- Huỳnh Văn Tư: Trung tá, từ ngày 12.03.1956 đến 05.03.1957.
- Lê Quang Hiền: Trung tá, từ 05.03.1957 đến 24.03.1958.
- Trần Thanh Bền: Thiếu tá, từ 24.03.1958 đến 20.01.1959.
- Hoàng Mạnh Thường: Thiếu tá, từ 20.01.1959 đến 12.10.1961.
- Nguyễn Ngọc Tháng: Thiếu tá, từ ngày 12.10.1961 đến 17.07.1962.
- Nguyễn Linh Chiêu: Trung tá, từ ngày 17.07.1962 đến 27.11.1963.
- Nguyễn Thanh Hoàng: Trung tá,từ 27.01.1963 đến 14.04.1964.
- Đào Ngọc Diệp: Thiếu tá, từ ngày 14.04.1964 đến 29.10.1964.
- Phạm Văn Út: Đại tá, từ 29.10.1964 đến 08.07.1965.
- Nguyễn Ngọc Điệp: Trung tá, từ 08.07.1965 đến 11.11.1965.
- Huỳnh Thao Lược: Trung tá, từ 11.11.1965 đến 11.03.1968.
- Quách Huỳnh Hà: Trung tá, từ 11.03.1968 đến 1972.
- Liêu Quang Nghĩa: Đại tá, từ 1972 đến 30.04.1975.
Chính quyền Cách mạng[sửa | sửa mã nguồn]
Tuy nhiên, chính quyền Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam và sau này là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cùng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không công nhận tên gọi tỉnh Ba Xuyên mà vẫn gọi theo tên cũ là tỉnh Sóc Trăng.
Năm 1957, Liên Tỉnh uỷ miền Tây giải thể tỉnh Bạc Liêu, đồng thời đưa các huyện Giá Rai, Vĩnh Lợi, Vĩnh Châu, Hồng Dân, thị xã Bạc Liêu về tỉnh Sóc Trăng quản lý. Tỉnh uỷ Sóc Trăng quyết định hợp nhất huyện Vĩnh Châu và huyện Vĩnh Lợi, lấy tên là huyện Vĩnh Lợi - Vĩnh Châu. Năm 1958, huyện Kế Sách của tỉnh Sóc Trăng được giao về cho tỉnh Cần Thơ quản lý đến năm 1976.
Đầu năm 1961, chính quyền Cách mạng thành lập thêm huyện Mỹ Xuyên trên cơ sở tách một số xã của huyện Thạnh Trị và huyện Châu Thành. Năm 1962, huyện Giá Rai được giao cho tỉnh Cà Mau. Năm 1963, Tỉnh uỷ Sóc Trăng quyết định giải thể huyện Vĩnh Lợi - Vĩnh Châu, tái lập huyện Vĩnh Châu và huyện Vĩnh Lợi. Tháng 8 năm 1966, huyện Long Phú được chia thành 2 huyện: Long Phú và Lịch Hội Thượng.
Trong giai đoạn 1964-1973, địa bàn tỉnh Bạc Liêu của chính quyền Việt Nam Cộng hòa vẫn do tỉnh Sóc Trăng của chính quyền cách mạng quản lý. Tháng 11 năm 1973, Khu uỷ Tây Nam Bộ quyết định tái lập tỉnh Bạc Liêu, gồm 4 đơn vị hành chính cấp huyện: Vĩnh Lợi, Giá Rai, Hồng Dân và thị xã Bạc Liêu. Tuy nhiên, chính quyền Cách mạng vẫn đặt huyện Vĩnh Châu thuộc tỉnh Sóc Trăng cho đến năm 1976.
Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, chính quyền quân quản Cộng hòa miền Nam Việt Nam ban đầu vẫn duy trì tỉnh Sóc Trăng cho đến đầu năm 1976. Lúc này, chính quyền Cách mạng cũng bỏ danh xưng "quận" có từ thời Pháp thuộc và lấy danh xưng "huyện" (quận và phường dành cho các đơn vị hành chánh tương đương khi đã đô thị hóa).
Ngày 20 tháng 9 năm 1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 245-NQ/TW về việc bỏ khu, hợp tỉnh trong toàn quốc "nhằm xây dựng các tỉnh thành những đơn vị kinh tế, kế hoạch và đơn vị hành chính có khả năng giải quyết đến mức cao nhất những yêu cầu về đẩy mạnh sản xuất, tổ chức đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân, về củng cố quốc phòng, bảo vệ trị an, và có khả năng đóng góp tốt nhất vào sự nghiệp chung của cả nước". Theo Nghị quyết này, tỉnh Vĩnh Long, tỉnh Trà Vinh, tỉnh Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ sẽ hợp nhất lại thành một tỉnh, tên gọi tỉnh mới cùng với nơi đặt tỉnh lỵ sẽ do địa phương đề nghị lên.
Nhưng đến ngày 20 tháng 12 năm 1975, Bộ Chính trị lại ra Nghị quyết số 19/NQ điều chỉnh lại việc hợp nhất tỉnh ở miền Nam Việt Nam cho sát với tình hình thực tế, theo đó tỉnh Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ được tiến hành hợp nhất lại thành một tỉnh.
Từ năm 1976 đến nay[sửa | sửa mã nguồn]
Theo Nghị định số 03/NĐ-76 ngày 24 tháng 2 năm 1976 và Quyết định số 17/QĐ-76 ngày 24 tháng 3 năm 1976, Chính phủ Việt Nam quyết định hợp nhất ba đơn vị hành chính cấp tỉnh ngang bằng nhau là tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Cần Thơ và thành phố Cần Thơ để thành lập một tỉnh mới có tên là tỉnh Hậu Giang. Lúc này, huyện Châu Thành (thuộc tỉnh Sóc Trăng cũ) được đổi tên thành huyện Mỹ Tú, do tỉnh Hậu Giang lúc này đã có huyện Châu Thành vốn trước đó thuộc tỉnh Cần Thơ.
Tỉnh Hậu Giang lúc này gồm có thành phố Cần Thơ (tỉnh lị), thị xã Sóc Trăng và 12 huyện: Châu Thành, Kế Sách, Long Mỹ, Long Phú, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Ô Môn, Phụng Hiệp, Thạnh Trị, Thốt Nốt, Vị Thanh, Vĩnh Châu. Tỉnh lị tỉnh Hậu Giang lúc đó là thành phố Cần Thơ.
Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết chia tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. Tỉnh Sóc Trăng có 7 đơn vị hành chính gồm thị xã Sóc Trăng và 6 huyện: Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Vĩnh Châu. Tỉnh lị là thị xã Sóc Trăng.
Ngày 11 tháng 1 năm 2002, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 04/2002/NĐ-CP, về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Long Phú để thành lập huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng[16]. Huyện Cù Lao Dung chính thức đi vào hoạt động từ ngày 30 tháng 4 năm 2002.
Ngày 31 tháng 10 năm 2003, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 127/2003/NĐ-CP, về việc thành lập huyện Ngã Năm thuộc tỉnh Sóc Trăng. Huyện Ngã Năm chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1 tháng 1 năm 2004.
Ngày 8 tháng 2 năm 2007, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 22/2007/NĐ-CP, về việc thành lập thành phố Sóc Trăng thuộc tỉnh Sóc Trăng[17] trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số và các đơn vị hành chính trực thuộc của thị xã Sóc Trăng trước đó.
Ngày 24 tháng 9 năm 2008, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 02/NĐ-CP, thành lập huyện Châu Thành thuộc tỉnh Sóc Trăng[18].Huyện Châu Thành chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1 tháng 1 năm 2009. Tỉnh Sóc Trăng có 10 đơn vị hành chính trực thuộc là: thành phố Sóc Trăng, huyện Châu Thành, huyện Long Phú, huyện Cù Lao Dung, huyện Mỹ Tú, huyện Thạnh Trị, huyện Vĩnh Châu, huyện Ngã Năm, huyện Kế Sách, huyện Mỹ Xuyên.
Ngày 23 tháng 12 năm 2009, Chính phủ ra Nghị quyết số 64/NQ-CP quyết định thành lập huyện Trần Đề[19]. Huyện Trần Đề chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 1 tháng 4 năm 2010.
Ngày 25 tháng 8 năm 2011, Chính phủ ra Nghị quyết số 90/NQ-CP thành lập thị xã Vĩnh Châu và các phường thuộc thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng[20].
Ngày 29 tháng 12 năm 2013, Chính phủ ra Nghị quyết 133/NQ-CP quyết định chuyển huyện Ngã Năm thành thị xã Ngã Năm thuộc tỉnh Sóc Trăng.[21]
Tỉnh Sóc Trăng có 331.164,25 ha diện tích tự nhiên, 1.326.740 nhân khẩu, 11 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm thành phố Sóc Trăng, thị xã Vĩnh Châu, thị xã Ngã Năm và 8 huyện: Châu Thành, Cù Lao Dung, Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị, Trần Đề) và 109 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 80 xã, 17 phường, 12 thị trấn).
Tỉnh Sóc Trăng có 11 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 1 Thành phố, 2 thị xã, 08 huyện, trong đó có 17 phường, 12 thị trấn và 80 xã:
Ðơn vị hành chính cấp Huyện
|
Thành phố Sóc Trăng
|
Thị xã Ngã Năm
|
Thị xã Vĩnh Châu
|
Huyện Châu Thành
|
Huyện Cù Lao Dung
|
Huyện Long Phú
|
Huyện Kế Sách
|
Huyện Mỹ Tú
|
Huyện Mỹ Xuyên
|
Huyện Thạnh Trị
|
Huyện Trần Đề
|
---|
Diện tích 2009(km²)
|
76,15
|
242,2
|
473,39
|
236,32
|
260,51
|
263,72
|
352,6
|
368,15
|
370,95
|
287,6
|
378,76
|
---|
Dân số 2009(người)
|
135.478
|
84.022
|
163.918
|
100.421
|
62.024
|
110.952
|
157.317
|
105.891
|
157.267
|
85.499
|
130.077
|
---|
Mật độ dân số (người/km²)
|
1.780
|
347
|
346
|
425
|
237
|
420
|
446
|
287
|
424
|
297
|
343
|
---|
Số đơn vị hành chính
|
10 phường
|
3 phường và 5 xã
|
4 phường và 6 xã
|
1 thị trấn và 7 xã
|
1 thị trấn và 7 xã
|
2 thị trấn và 9 xã
|
2 thị trấn và 11 xã
|
1 thị trấn và 8 xã
|
1 thị trấn và 10 xã
|
2 thị trấn và 8 xã
|
2 thị trấn và 9 xã
|
---|
Năm thành lập
|
2007[22]
|
2013[23]
|
2011[24]
|
2008[25]
|
2002[26]
|
1926
|
1906
|
1976
|
1958
|
1941
|
2009[27]
|
---|
Nguồn: Website tỉnh Sóc Trăng[28]
|
Vài điều thú vị:
- Long Phú: là huyện có 2 lần chia tách (tách một phần phía Đông để thành lập huyện Cù Lao Dung và phía Nam để thành lập huyện Trần Đề).
- Ngã Năm, Vĩnh Châu trước đây là 2 huyện có khoảng cách xa với trung tâm tỉnh nhất nhưng lại là hai huyện phát triển thành thị xã sớm nhất, là tiền đề để tỉnh Sóc Trăng phát triển nhiều thị xã hơn nữa (trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2020 cơ bản sẽ phát triển thêm 4 đến 5 thị xã nữa: Ba Xuyên, Kế Sách, Cù Lao Dung, Mỹ Tú và Long Phú) nâng số thị xã lên 6 hoặc 7.
- Vĩnh Châu: từ một huyện có số dân ít nhất và diện tích nhỏ thứ hai tỉnh (năm 2000) nay đã đứng đầu tỉnh về diện tích và thứ 4 về dân số khi các huyện khác lần lượt được chia tách, và đến tháng 8 năm 2011 đã trở thành thị xã trực thuộc tỉnh Sóc Trăng.
- Ngã Năm trước kia chỉ là một trong hai thị trấn của huyện Thạnh Trị (không phải là trung tâm huyện lị) sau khi chia tách đã phát triển vượt bậc về cơ sở hạ tầng của như kinh tế năng động đã giúp thị trấn non trẻ sớm trở thành thị xã của tỉnh vào tháng 12 năm 2013.
Với một nền văn hóa đặc sắc và khá riêng biệt mà có thể gọi là: "văn hoá xứ giồng", thể hiện qua các mặt trong đời sống hằng ngày của người Sóc Trăng, từ ngôn ngữ, mối quan hệ xã hội, tên đất, tên làng đến tín ngưỡng tôn giáo, ẩm thực và lễ hội của người Kinh, Hoa, Khmer và số ít người Chăm.
Lễ hội:[sửa | sửa mã nguồn]
Tu viện Phật giáo tiểu thừa, Sóc Trăng
Lễ hội Ooc Om Boc - Đua Ghe Ngo (Cúng trăng), được tổ chức đua ghe vào Rằm tháng 10 Âm lịch hàng năm, cùng với lễ hội Loi -Pro tip - lễ hội thả đèn nước trên sông Nguyệt (sông Maspero) tại trung tâm thành phố Sóc Trăng. Năm 2013 là Festival Đua Ghe Ngo Đồng bằng sông Cửu Long được tổ chức 2 năm một lần.
Lễ Sen Đôlta (thờ cúng tổ tiên của người Khmer)
Lễ Chol Chnăm Thmây (Vào năm mới),...
Thanh minh (của người Kinh và Hoa).
Lễ hội thí vàng (tháng 7), chủ yếu là tại các khu vực có nhiều người Hoa sinh sống.
Lễ kỳ yên ở các đình chùa. Mỗi làng xã người Việt, người Hoa thường có đình chùa và được tổ chức vào khoảng 3 ngày liên tiếp trong năm tùy đình chùa đó. Lễ hội chính là cúng thần và trình diễn cải lương.
Di tích[sửa | sửa mã nguồn]
Sóc Trăng là tỉnh có hơn 200 ngôi chùa của cả ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer. Nổi tiếng thì phải kể đến Chùa Dơi (chùa Mã Tộc, Mahatup), Chùa Đất Sét (Bửu Sơn tự), Chùa Khléang, chùa Chén Kiểu (chùa Salon), chùa La Hán, chùa Bốn Mặt (chùa Barai), chùa Phật Học, Chùa Khánh Sơn, chùa Hương Sơn, chùa Đại Giác... Ngoài ra còn còn có đền thờ, đình, miếu, nhà thờ,...
Bửu Sơn Tự, chùa Đất Sét
Bửu Sơn tự (hay chùa Đất Sét): Đây là một am thờ đã qua nhiều đời của dòng tộc họ Ngô, có tất cả tượng Phật đến linh thú, bảo tháp, đỉnh trầm đều được làm từ đất sét. Phần lớn do ông Ngô Kim Tòng sáng tạo trong suốt 42 năm (1928-1970).
Ngoài ra, trong chùa còn có 6 cây nến lớn hai cây nặng 200 kg hai cây nến nhỏ nặng 100 kg và ba cái đỉnh bằng đất mỗi cái cao 2m. Hai cây nến nhỏ đã đốt liên tục trong 40 năm kể từ năm 1970 khi ông Ngô Kim Tòng qua đời. Sáu cây nến lớn chưa
đốt, mỗi cây sẽ có thời gian cháy liên tục khoảng 70 năm.
Chùa Mã Tộc (hay chùa Dơi): Chùa được xây dựng cách đây hơn 400 năm [30]. Chùa còn có tên là chùa Dơi vì ngôi chùa này từ lâu đã là nơi trú ẩn của khoảng 1 triệu con dơi[cần dẫn nguồn], phần lớn có sải cánh 1-1h,2 m, những con lớn nhất có sải cánh lên tới 1,5 m. chúng treo mình trên những cành cây chung quanh chùa để ngủ suốt ngày,đến chiều tối mới bắt đầu lần lượt bay đi kiếm ăn ở những nơi có nhiều vườn trái cây cách xa
Hòa An Hội Quán (chùa Ông Bổn): Chùa được xây dựng vào năm 1875, chùa thờ ông bổn(Bổn Đầu Công).Chùa được xây dựng với kiến trúc độc đáo của người hoa chất liệu toàn bằng đá, gỗ quý từ Trung Quốc chở qua. Di tích này được trải qua 7 đợt trùng tu nhưng vẫn giữ được những giá trị nghệ thuật kiến trúc.Rằm tháng giêng hàng năm nhân tết nguyên tiêu chùa đều có tổ chức lễ hội đấu đèn lồng.
Chùa Phật học 2, phường 8, TP Sóc Trăng
Khu căn cứ tỉnh ủy Sóc Trăng, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú.
Đền thờ Bác Hồ, xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung
Ẩm thực[sửa | sửa mã nguồn]
Sóc Trăng có nền văn hóa ẩm thực hết sức phong phú và đa dạng, trong đó có thể kể đến như:
- Bánh pía
- Lạp xưởng
- Bánh phồng tôm
- Bún nước lèo là đặc sản nổi tiếng của Sóc Trăng
- Bánh cống ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên.
- Bánh ống
- Bánh dứa
- Cốm dẹp
- Bò nướng ngói đặc sản của huyện Mỹ Xuyên: thịt bò được nướng trên tấm ngói, gói rau bún chấm với nước mắm nêm pha với ít khóm.
Một cửa hàng bán trà bánh (nhiều nhất là bánh pía) ở TP. Sóc Trăng
Bánh trên cành: Đây là một món ăn độc đáo của người Khmer. Theo tín ngưỡng người Khmer, hàng năm bà con đều làm chay cầu siêu cho tổ tiên hoặc các vong hồn chết oan ức. Vào các những ngày này, từ sáng sớm các vị sư sãi ra đồng tìm những mồ mả để đọc kinh cầu nguyện. Theo quy định của nhà Phật, các vị sư chỉ được dùng cơm một lần duy nhất vào ngày hôm đó. Chính vì vậy các cô gái giúp các sư một bữa ăn gọi là "làm phước". Các cô gái dùng xuồng ba lá bơi ra giữa đồng tìm các cây điên điển có nhiều bông để dùng làm bánh. Các cô chọn những nhánh hoa tươi, đẹp rồi kéo xuống nhúng các chùm bông điên điển vào bột đã chuẩn bị sẵn. Sau đó kéo chùm bông sang chảo mỡ nóng để chiên cho chín vàng. Xong, họ buông nhẹ nhánh hoa trở về vị trí cũ.
- Ngoài ra còn một số món như: Bún gỏi già, bún xào Thạnh Trị, bún xào và khô heo ở Lịch Hội Thượng...và mắm chiên ở Ngã Năm
Ngoài chùa chiền và các lễ hội đặc sắc. Sóc Trăng còn có những địa điểm tham quan như:
Hồ Nước Ngọt về đêm
Hồ Nước Ngọt: khu công viên văn hóa này rộng khoảng 20ha, trên đường Hùng Vương, thành phố Sóc Trăng. Bao gồm 2 hồ: hồ nhỏ còn được gọi là Hồ Tịnh Tâm từ những năm 60 theo nguyên bản Hồ Tịnh Tâm ở Đại hội Huế (vì ông tỉnh trưởng Ba Xuyên bấy giờ người Huế), hồ lớn được đào năm 1982 là công trình thủy lợi do hàng ngàn người dân Sóc Trăng đào thủ công. Năm 2000, trong nỗ lực tạo một sân chơi lành mạnh cho sinh hoạt giải trí của người dân đồng thời cũng làm cơ sở tổ chức các sự kiện quan trọng của địa phương, Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã cho thành lập Ban quản lý dự án Khu văn hóa Hồ Nước Ngọt, tiến hành nâng cấp cải tạo, xây bờ kè, tráng nhựa đường nội bộ, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, xây dựng các trung tâm hội chợ, triển lãm… và mở rộng diện tích đến 20ha, biến nơi đây thành một địa chỉ văn hóa thực sự trong đời sống tinh thần của người dân địa phương. Hồ Nước Ngọt đã trở thành điểm đến thân quen của mọi người khi mỗi sáng nhiều bà con vào đây đi bộ, tập thể dục, lớp thanh, thiếu niên đến đây chơi thể thao, các em thiếu nhi đến đây giải trí sau giờ học với nhiều trò chơi hấp dẫn, người lao động đến đây để thư giản, hưởng chút không khí trong lành sau một ngày làm việc cật lực… Hiện đang có đề án mở rộng khu công viên này và đào thêm hồ.[31]
Xung quanh Hồ Tịnh Tâm (hồ nhỏ trong khu công viên Hồ Nước Ngọt) - Sóc Trăng
Vườn cò Tân Long: Vườn cò này do gia đình ông Huỳnh Văn Mười ở Thị xã Ngã Năm quản lý. Vườn rộng khoảng 1,5ha, được che phủ bởi những tán dừa, lùm tre, hàng bình bát xanh um tạo nên vẻ đẹp chân quê. Đến với vườn cò này, bạn sẽ bước chân trên cát lối đi được tráng xi măng, rợp mát, xinh đẹp giữa hai hàng hoa cảnh. Đã 31 năm qua, dưới sự chăm nom của ông Mười, nơi này hình thành một sân chim với hàng vạn con cò, vạc sinh sống hòa thuận. Đại gia đình chim gồm: cò gà, cò trắng tinh, cò đầu đỏ, cò trâu, cồng cộc, vạc…
- Cồn Mỹ Phước: nằm gần cuối hạ lưu sông Hậu, thuộc địa phận xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách. Với khí hậu, thổ nhưỡng, sông nước đặc thù khu vực đồng bằng sông Cửu Long nên cồn Mỹ Phước là môi trường thích hợp để các loại cây ăn trái phát triển. Thời điểm cồn Mỹ Phước đón nhiều du khách nhất là dịp diễn ra Lễ hội Sông nước Miệt vườn (trong 2 ngày mồng 4 và mồng 5 tháng 5 (âm lịch) hàng năm), với các hoạt động hấp dẫn như: nghi thức, nghi lễ cúng Tết Đoan Ngọ, hội thi làm bánh xèo, hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn, hội thảo về cây ăn trái, hội thảo sông nước miệt vườn, đua thuyền rồng, đua ca nô, đua vỏ lãi, nhảy bao, đập nồi...
- Chợ nổi Ngã Năm: nằm tại trung tâm thị xã Ngã Năm.
- Hồ Bể: Thuộc xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu, Hồ Bể là một bãi biển vừa được khai phá giữa vùng trồng rừng phòng hộ ven biển. Bãi biển dài 5 cây số, vẫn còn mộc mạc, hoang sơ, cát mịn màng và sóng hiền hòa, rất thích hợp cho những chuyến thư giãn cuối tuần. Khu vực Hồ Bể còn là nơi trú ngụ và sinh sản của nhiều giống loài thủy sản có giá trị. Từ lâu, khu vực này đã hình thành nên những bãi cua biển, nghêu, sò huyết giống... đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Sự phong phú về nguồn lợi thủy sản nơi đây luôn được gắn liền với công tác trồng và bảo vệ rừng phòng hộ ven biển. Du khách sẽ càng thích thú hơn khi được đi trong những cánh rừng xanh mát, được thỏa thích hít thở không khí trong lành và được tự tay mình bắt những con cua biển hay nghêu, sò huyết…
- Điểm du lịch sinh thái Mỏ Ó cách trung tâm tỉnh lỵ Sóc Trăng khoảng 30 km về phía Đông Nam, nằm gần cửa sông Mỹ Thanh và Trần Đề thuộc khu vực biển Đông, thuộc xã Trung Bình, huyện Trần Đề, nơi đây có diện tích rừng tự nhiên trên 260 ha, là nơi trú ngụ của nhiều loài chim chóc, bò sát và hải sản quý hiếm (rắn, rùa, cua, cò, cá...). Đến Mỏ Ó, du khách có thể tung tăng đi trên bãi cát mịn màn trải dài hàng cây số hay thả hồn mênh mang theo con sóng dập dìu hoặc tắm nắng theo sở thích. Du khách có thể phóng tầm mắt nhìn những con thuyền nhấp nhô xa xa đang giăng lưới chập chờn bên sóng biển mênh mông xa tít chân trời... Biển có bờ cát thoai thoải với nhiều cây xanh che bóng mát, du khách có thể tổ chức các môn thể thao biển như lướt ván, bóng chuyền, bóng đá, bi sắt, chạy việt dã thỏa sức... ngư trường nơi đây dồi dào tôm cá có thể giăng lưới, đẩy sịp bắt những con cá biển bằng thủ công hoặc khi nước rút có thể rượt bắt những con ba khía mập mạp, cá thòi lòi sần sùi nhưng ăn rất ngon và bổ dưỡng.... Du khách cũng có thể khám phá Mỏ Ó trên những chiếc xuồng ba lá luồn sâu trong khu rừng kỳ thú để chiêm ngưỡng phong cảnh hoang sơ của rừng thiên nhên miền nhiệt đới ven biển. Ngồi trên xuồng, du khách sẽ được thư giãn dưới những tán cây xanh và ngắm nhìn thỏa thích hàng cây lớp lớp, với màu tím sặc sỡ của hoa bần trong không gian mát mẻ trong lành, tận tay hái trái bần chín mọng đem về nấu canh chua cơm mẻ, cá ngát, ăn rồi sẽ nhớ mãi.... [32]
Tính đến năm 2011, dân số toàn tỉnh Sóc Trăng đạt gần 1.303.700 người, mật độ dân số đạt 394 người/km²[33] Trong đó dân số sống tại thành thị đạt gần 339.300 người, chiếm 25% dân số toàn tỉnh[34], dân số sống tại nông thôn đạt 964.400 người, chiếm 75% dân số[35]. Dân số nam đạt 647.900 người[36], trong khi đó nữ đạt 655.800 người[37]. Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương tăng 9,4 ‰[38]
Sóc Trăng là địa bàn cư trú của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer cùng với người Chăm bản địa.
Tình hình y tế tại Tỉnh Sóc Trăng nhìn chung cũng tương đối hầu hết ở các đơn vị hành chính cấp huyện điều có xây dựng các bệnh viện hay những trung tâm y tế, trạm y tế, để phục vụ cho cuộc sống của người dân, các bệnh viện lớn như Bệnh viện Đa khoa Sóc Trăng, Bệnh viện 30/4, Bệnh viện Quân Dân Y Sóc Trăng, Bệnh viện đa khoa Kế Sách, Bệnh viện đa khoa Long Phú,...
Năm 2008, Trên địa bàn toàn tỉnh có 128 cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế. Trong đó có 11 bệnh viện, 12 phòng khám đa khoa khu vực và 105 trạm y tế phường xã, tổng số giường bệnh là 2.231 giường, trong đó các bệnh viện có 1.460 giường, phòng khám đa khoa khu vực có 190 giường, trạm y tế có 581 giường[39].
Nhìn chung hệ thống giáo dục tại Sóc trăng, có cơ sở hạ tầng khá đấy đủ, đáp ứng giảng dạy cho nhiều đối tượng khác nhau. Tính đến ngày 30 tháng 09 năm 2008, toàn tỉnh Sóc Trăng có 422 trường học ở các cấp phổ thông, đứng thứ 4 ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Đến thời điểm 31 tháng 12 năm 2008, Tổng số học sinh phổ thông đạt 206.550 học sinh, trong đó, cấp tiểu học là 114.639 học sinh, cấp trung học cơ sở là 64.216 học sinh, cấp trung học phổ thông là 27.695 học sinh. Tổng số giáo viên phổ thông trực tiếp giảng dạy đạt 12.286 người, trong đó, giáo viên tiểu học là 6.373 người, giáo viên trung học cơ sở là 4.091 người, giáo viên trung học phổ thông là 1.822 người[40].
Các trường Cao đẳng ở Sóc Trăng gồm:
Bùng binh bưu điện Sóc Trăng trên đường Trần Hưng Đạo
Sóc Trăng là tỉnh có vị trị địa lý khá thuận lợi cho việc giao thương và phát triển kinh tế, xã hội. Toàn tỉnh có 72 km bờ biển[41], có 3 cửa sông lớn là Định An, Trần Đề của Sông Hậu và Mỹ Thanh của Sông Mỹ Thanh đổ ra biển Đông rất thuận lợi cho giao thông đường thủy, đường bộ và phát triển kinh tế du lịch. trên địa bàn tỉnh có 4 tuyến Quốc lộ và 14 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài hơn 600 km, hệ thống đường huyện, đường giao thông nông thôn có hơn 3.700 km. Các tuyến đường giao thông huyết mạch trong tỉnh gồm có Quốc lộ 1A, Quốc lộ 60, Quốc lộ Nam Sông Hậu, Quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp...Mạng lưới đường ô tô khá dài chiếm khoảng 129 km.
Toàn tỉnh hiện có 8 tuyến xe buýt, trong đó các tuyến gồm:
- Tuyến 1: Thành phố Sóc Trăng - Thạnh Trị - Ngã Năm.
- Tuyến 2: Thành phố Sóc Trăng - Châu Thành - Thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang).
- Tuyến 3: Thành phố Sóc Trăng - Long Phú - Đại Ngãi.
- Tuyến 4: Thành phố Sóc Trăng - Mỹ Xuyên - Kinh Ba (Trần Đề).
- Tuyến 5: Thành phố Sóc Trăng - Kế Sách.
- Tuyến 6: Thành phố Sóc Trăng - Mỹ Tú.
- Tuyến 7: Thành phố Sóc Trăng - Vĩnh Châu.
- Tuyến 8: Thành phố Sóc Trăng - Đại Ngãi - An Lạc Thôn.
Chánh điện chùa Sà Lôn (chùa Chén Kiểu) ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên
Chùa Khleang ở phường 6, TP. Sóc Trăng.
Bửu Sơn tự (tục gọi chùa Đất Sét) ở TP. Sóc Trăng.
Chùa La Hán, phường 8, TP Sóc Trăng
Chánh điện chùa Dơi (Mahatup), phường 3, TP Sóc Trăng
Nhà thờ chính tòa Sóc Trăng.jpg
Đền thờ Bác Hồ - An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung
- ^ “Diện tích, dân số và mật độ dân số năm 2013 phân theo địa phương”. Tổng cục Thống kê Việt Nam. Truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2015.
- ^ a ă â “Diện tích, dân số và mật độ dân số năm 2011 phân theo địa phương”. Tổng cục Thống kê Việt Nam. Truy cập 30 tháng 9 năm 2012.
- ^ Nguồn: [1].
- ^ Đại Nam nhất thống chí, quyển 30, tỉnh An Giang, trang
- ^ Tỉnh Sóc Trăng nằm ở cửa Nam sông Hậu, cách thành phố Hồ Chí Minh 231km, cách Cần Thơ 62km, UBND tỉnh Sóc Trăng.
- ^ a ă â b Điều kiện tự nhiên củ Tỉnh Sóc Trăng, Ủy ban nhân dân Tỉnh Sóc Trăng
- ^ https://www.soctrang.gov.vn/wps/portal/!ut/p/c5/04_SB8K8xLLM9MSSzPy8xBz9CP0os3gLR1dvZ09LYwOL4GAnA08TRwsfvxBDIz9jU6B8JG55H1NidDu7O3qYmPsYGPgbhRkYGPmZBgcahAYbG3gaE9AdDnItbhUhJvjlQa4DyeOzHyRvgAM4GhAw31zfzyM_N1W_IDc0wiDTM8vEUVERAPg8K9Q!/dl3/d3/L3dDb0EvUU5RTGtBISEvWUZSdndBISEvNl84QUVLQ0k5MzA4U1NCMEk0QThMTlQxMk5ONg!!/.
- ^ Địa lý hành chính của Sóc Trăng nhiều lần thay đổi theo sự biến thiên của lịch sử., UBND tỉnh Sóc Trăng.
- ^ Đại Nam nhất thống chí, quyển 30, tỉnh An Giang, trang 156.
- ^ Đại Nam nhất thống chí, bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, trang 41.
- ^ Đại Nam nhất thống chí, quyển 26, tỉnh Hà Tiên, trang 7.
- ^ Đại Việt địa dư toàn biên, trang 319.
- ^ Đại Việt địa dư toàn biên, Nguyễn Văn Siêu, Truyện nước Cao Man, trang 318.
- ^ Theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của toàn quyền Đông Dương
- ^ “Sưu tầm 01”.
- ^ Nghị định 04/2002/NĐ-CP thành lập huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng.
- ^ Nghị định 22/2007/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Sóc Trăng thuộc tỉnh Sóc Trăng.
- ^ Nghị định 02/NĐ-CP về việc thành lập huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng.
- ^ Nghị quyết số 64/NQ-CP của Chính phủ, Trang Chính phủ Việt Nam.
- ^ Nghị quyết số 90/NQ-CP của Chính phủ, Trang Chính phủ Việt Nam.
- ^ Nghị quyết 133/NQ-CP thành lập thị xã Ngã Năm
- ^ http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Nghi-dinh-22-2007-ND-CP-thanh-lap-thanh-pho-Soc-Trang-thuoc-tinh-Soc-Trang-vb16767t11.aspx
- ^ “Nghị quyết 133/NQ”. Truy cập 10 tháng 2 năm 2015.
- ^ “Nghị quyết 90/NQ”. Truy cập 10 tháng 2 năm 2015.
- ^ “Nghị định 02/NĐ”. Truy cập 10 tháng 2 năm 2015.
- ^ “Nghị định 04/2002/NĐ”. Truy cập 10 tháng 2 năm 2015.
- ^ “Nghị quyết 64/NQ”. Truy cập 10 tháng 2 năm 2015.
- ^ Tính đến năm 2010, đơn vị hành chính của tỉnh có 10 huyện, 01 thành phố với 109 xã, phường, thị trấn, gồm:, UBND tỉnh Sóc Trăng.
- ^ Dân số trung bình phân theo địa phương qua các năm, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
- ^ http://soctrang.edu.vn/chitiettin.asp?IDT=901221104407
- ^ https://www.soctrang.gov.vn/wps/portal/!ut/p/c5/04_SB8K8xLLM9MSSzPy8xBz9CP0os3gLR1dvZ09LYwOL4GAnA08TRwsfvxBDIzcjc6B8JG55E1NidDu7O3qYmPsYGPgbhRkYGPmZBgcahAYbG3gaE9AdDnItfttB8vjMB8kb4ACOBvp-Hvm5qfoFuaERBpkB6QBJIPsB/dl3/d3/L2dJQSEvUUt3QS9ZQnZ3LzZfOEFFS0NJOTMwOFNTQjBJNEE4TE5UMUEzRDA!/?WCM_GLOBAL_CONTEXT=/wps/wcm/connect/web+content/soctrangsite/tiemnangtrienvong/thongtinquyhoach/phaimanhdan.
- ^ https://www.soctrang.gov.vn/wps/portal/!ut/p/c4/04_SB8K8xLLM9MSSzPy8xBz9CP0os3gLR1dvZ09LYwOL4GAnA08TRwsfvxBDR2NzI_2CbEdFAGrTAp4!/?WCM_GLOBAL_CONTEXT=/wps/wcm/connect/web+content/soctrangsite/dulich/khamphasoctrang/danhlamthangcanh/mootrande.
- ^ Diện tích, dân số và mật độ dân số năm 2011 phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
- ^ Dân số thành thị trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
- ^ Dân số nông thôn trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
- ^ Dân số nam trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
- ^ Dân số nữ trung bình phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
- ^ Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số phân theo địa phương, Theo Tổng cục thống kê Việt Nam.
- ^ Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê năm 2008
- ^ Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê
- ^ Tỉnh sóc Trăng có đường bờ biển dài 72 km, Cổng thông tin Chính phủ.
|
Wikimedia Commons có thư viện hình ảnh và phương tiện truyền tải về Sóc Trăng |